Mùa Xuân và Hè năm ngoái, một đợt bùng phát Salmonella lan rộng khắp nước Mỹ đã khiến hơn 550 người mắc bệnh, trong đó có 155 trường hợp phải nhập viện. Điều bất ngờ là nguyên nhân không đến từ trứng sống hay thịt gà chưa chín - những tác nhân quen thuộc của Salmonella, mà lại là dưa leo, một loại rau quả vốn được xem là lành mạnh, phổ biến trong các món salad.
Một năm sau, câu chuyện lặp lại. Gần đây, 45 người ở 18 bang của Mỹ đã được xác nhận nhiễm Salmonella, lần này cũng liên quan đến dưa leo do nông trại Bedner Growers tại hạt Palm Beach, bang Florida cung cấp, dẫn đến một đợt thu hồi sản phẩm quy mô lớn.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hiện vẫn đang điều tra nguyên nhân cụ thể, tuy nhiên trong đợt bùng phát năm ngoái, FDA đã phát hiện nông trại Bedner Growers sử dụng nước kênh chưa xử lý để tưới cây. Mẫu nước này bị phát hiện nhiễm chủng Salmonella giống với chủng gây bệnh cho hàng trăm người.
Việc sử dụng rau quả tươi sống như dưa leo khiến nguy cơ nhiễm khuẩn trở nên đáng lo ngại hơn, bởi khác với thực phẩm chế biến chín (có thể tiêu diệt vi khuẩn bằng nhiệt), rau quả ăn sống không trải qua "giai đoạn tiêu diệt vi khuẩn". Ngay cả khi được rửa sạch, vi khuẩn như Salmonella vẫn có thể tồn tại.
Tara Chaffin, một phụ nữ 52 tuổi ở Michigan, đã bị nhiễm Salmonella nghiêm trọng vào tháng 5/2024. "Đó là lần tôi bệnh nặng nhất trong đời", bà kể lại. Sau hàng loạt xét nghiệm âm tính với cúm và COVID-19, bà mới được xác nhận mắc Salmonella. Bà từng nghĩ nguyên nhân có thể là trứng chiên, bánh mì kẹp thịt hoặc món khai vị rau chân vịt. Nhưng kết luận của cơ quan y tế khiến bà choáng váng: chính dưa leo là thủ phạm.
Chaffin nghỉ việc một tuần để hồi phục. Nhưng đến nay, hơn một năm sau, bà vẫn chưa hoàn toàn bình phục: các khớp tay vẫn sưng đau, được chẩn đoán là viêm khớp phản ứng - biến chứng thường gặp của Salmonella nặng. Bà đang tiến hành các thủ tục pháp lý để yêu cầu bồi thường.
Theo các chuyên gia an toàn thực phẩm Mỹ, vi khuẩn Salmonella tồn tại tự nhiên trong ruột của nhiều loài động vật. Chúng có thể xâm nhập vào hệ thống tưới tiêu qua phân động vật, nước mưa chảy tràn từ các trại chăn nuôi, hoặc do ngập lụt gây tràn nước cống. Tại các vùng nông nghiệp như Florida, nơi có mật độ động vật hoang dã cao, nguy cơ nhiễm khuẩn từ môi trường càng lớn.
Ông Craig Hedberg - chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Minnesota - nhận định: "Thật đáng lo ngại khi cùng một nông trại bị liên quan đến hai vụ dịch liên tiếp. Rõ ràng họ cần nghiêm túc rà soát nguồn nước và phương pháp xử lý".
Bình luận (0)