Học thuyết hạt nhân đã sửa đổi của Nga có tên "Nền tảng chính sách nhà nước trong lĩnh vực răn đe hạt nhân". Văn kiện này cũng được công bố cùng ngày.
Học thuyết sửa đổi mở rộng phạm vi các nước và liên minh quân sự chịu răn đe hạt nhân cũng như danh sách các mối đe dọa quân sự mà biện pháp răn đe này được thiết kế để chống lại.
Nguyên tắc cơ bản của học thuyết là sử dụng vũ khí hạt nhân là biện pháp cuối cùng để bảo vệ chủ quyền đất nước. Văn kiện nêu rõ việc xuất hiện các nguy cơ và mối đe dọa quân sự mới buộc Nga phải làm rõ điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, văn kiện nêu rõ Nga sẽ xem mọi cuộc tấn công của một nước không có vũ khí hạt nhân nhưng được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân là một cuộc tấn công chung.
Nga cũng bảo lưu quyền xem xét đáp trả hạt nhân đối với một cuộc tấn công bằng vũ khí quy ước đe dọa chủ quyền của mình, việc phóng quy mô lớn máy bay, tên lửa và thiết bị không người lái nhằm vào lãnh thổ Nga, việc chúng vượt qua biên giới Nga hay một cuộc tấn công đồng minh Belarus.
Phiên bản trước của học thuyết hạt nhân này được phê chuẩn tháng 6/2020, thay thế văn kiện tương tự đã có hiệu lực trong 10 năm.

Bệ phóng ICBM tự động Yars của lực lượng tên lửa chiến lược Nga (Ảnh: Sputnik)
"Răn đe phương Tây" đúng thời điểm căng thẳng leo thang
Giới quan sát cho rằng động thái này nhằm "răn đe" phương Tây, bởi lẽ việc phê duyệt và công bố diễn ra chỉ vài ngày sau khi rộ lên thông tin chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "bật đèn xanh" cho Ukraine dùng tên lửa tầm xa mà Mỹ cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Theo giải thích từ Điện Kremlin, học thuyết hạt nhân cập nhật của Nga được công bố đúng kế hoạch.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra các chỉ thị liên quan trước đó. Chính Tổng thống tuyên bố rằng việc chuẩn bị các nội dung sửa đổi đang ở giai đoạn cuối. Tài liệu cập nhật đã được công bố đúng thời hạn".
Theo ông Peskov, Nga cũng có quyền cân nhắc phản ứng hạt nhân đối với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa chủ quyền của mình, một vụ triển khai máy bay hoặc phóng tên lửa và máy bay không người lái của đối phương trên diện rộng nhằm vào lãnh thổ Nga, một cuộc tấn công vào đồng minh của Nga là Belarus… Quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân phải do chính Tổng thống Nga đưa ra.
Động thái của Nga gây nhiều sự chú ý. Ông Peskov thừa nhận tài liệu mới được công bố sẽ "trải qua quá trình phân tích chuyên sâu ở cả Nga và nước ngoài".
Theo hãng thông tấn TASS, sự xuất hiện của các mối đe dọa quân sự và rủi ro mới đã buộc Nga phải điều chỉnh các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân. Tài liệu nêu rõ Nga giờ đây sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào của một quốc gia phi hạt nhân được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân đều là một cuộc tấn công chung.
Bình luận (0)