
ả nước Pháp đang hướng về nhà thờ có lịch sử hơn 850 năm này như hướng về một người thân, nơi trái tim và tình yêu của họ nằm đó. Những đau buồn về thảm kịch này phần nào được xoa dịu trước lời kêu gọi cùng nhau xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà của Tổng thống Emmanuel Macron. Chưa đầy 3 ngày sau vụ cháy số tiền ủng hộ cho việc tái thiệt nhà thờ đã lên tới gần 1 tỷ đô-la Mỹ, cho thấy nỗi mong mỏi được sớm nhìn thấy nhà thờ hồi sinh và đứng vững sau thảm kịch như hàng trăm năm qua vẫn thế. Kinh phí, phần khó khăn nhất đối với hầu hết các dự án phục dựng đã được đóng góp hào phóng. Còn lại vấn đề đau đầu hơn là quá trình xây dựng lại liệu có dễ dàng?
Thời hạn 5 năm hoàn tất trùng tu Nhà thờ Đức Bà mà chính phủ Pháp đặt ra dù đầy lạc quan nhưng không thực tế, bắt đầu từ chính những khó khăn trong tìm kiếu vật liệu.
Khung tháp từ thời Trung cổ được ví như bộ xương của nhà thờ làm từ 1.300 cây sồi khổng lồ, đã bị cháy rụi. Để thay thế được số gỗ này, nước Pháp sẽ cần tới 3.000 cây sồi kích thước lớn, đủ bao phủ diện tích rừng khoảng 21 hecta. Đây gần như là điều không thể ở Pháp hiện nay, bởi những cánh rừng nguyên sinh đã bị tàn phá rất nhiều. Ông Bertrand de Feydeau, Phó chủ tịch Quỹ Di sản Pháp, thừa nhận, "Cả nước Pháp không còn cây gỗ nào có kích thước tương đương để thay thế những dầm gỗ đã bị thiêu rụi. Phần mái vòm được làm từ những dầm gỗ hơn 800 năm tuổi. Những cây gỗ lớn như vậy giờ đã biến mất ở Pháp."
Ngoài ra, nhiều người lo lắng về số phận của ba cửa sổ hoa hồng nổi tiếng cùng rất nhiều báu vật lịch sử trong nhà thờ. Rất may là trước khi vụ cháy xảy ra, các công nhân bảo dưỡng đã di chuyển nhiều đồ vật quý giá ra khỏi nhà thờ, trong đó có những bức tượng đồng từ thế kỷ 12.
Ưu tiên số một của đội phục chế là dựng một mái nhà tạm, theo kiến trúc sư John Burton, người chịu trách nhiệm khảo sát bảo tồn tại Nhà thờ Canterbury và Tu viện Westminste (Anh). Nó sẽ tạo điều kiện để các chuyên gia tiến hành đánh giá chi tiết hơn, đặc biệt là giúp trả lời câu hỏi cấu trúc nhà thờ đã được bảo vệ bao nhiêu phần trăm. Sau khi bảo vệ được những phần còn lại của nhà thờ, đội phục dựng sẽ bắt đầu xác định mức độ thiệt hại. Dù cấu trúc chính cùng hai tháp chuông biểu tượng đã được bảo toàn, nhưng nhiều phần của nhà thờ vẫn có nguy cơ bị tổn hại bởi các mảnh vỡ, hiện tượng ngấm nước từ vòi phun cứu hoả hay đổ sập cục bộ.
Trước khi vụ cháy xảy ra, nhà thờ Đức Bà Paris vốn đã trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng do mưa nắng của thời gian, tình trạng ô nhiễm không khí và mưa axit. Nhiều năm trở lại đây, chính quyền Paris đã kêu gọi các nhà bảo trợ quyên góp tiền trùng tu công trình, với chi phí ước tính có thể lên tới 130 triệu euro. Một dự án trị giá 6,8 triệu USD để gìn giữ nhà thờ này vốn đang được tiến hành khi vụ hoả hoạn xảy ra, khiến quá trình trùng tu nó càng thêm khó khăn. Việc phục dựng nhà thờ cần nhiều nhân lực và không thể làm trong một sớm một chiều, có thể mất tới 10 đến 12 năm.
Quy trình này, như nhà nghiên cứu lịch sử Jonathan Foyle nhận định, đòi hỏi rất nhiều dữ liệu lịch sử. Theo ông, nhà thờ Đức Bà hầu như không có hồ sơ xây dựng vì nó quá cổ xưa. Mọi thông tin về công trình đều nằm ở kết cấu vật lý.
Nhưng với nhiều tiếc nuối, Bernard-Henri Lévy, một trong những học giả nổi tiếng nhất của Pháp, cảnh báo rằng dù cố gắng thế nào, Nhà thờ Đức Bà sẽ không bao giờ còn được như cũ. "Sẽ không thể dựng lại sự phong trần, không thể khôi phục lớp bụi thời gian của nó", ông nói. "Sinh khí của công trình này chính là sự lâu đời của các vật liệu làm ra nó, là sợi dây gắn kết hiện tại với các ý tưởng, tâm huyết được những người xây dựng nhà thờ gửi gắm".
Chính phủ Pháp có thể lựa chọn trung thành với thiết kế nhà thờ sơ khai. Thế nhưng trong trường hợp vật liệu và cách thức thi công hiện đại không đáp ứng, thì quá trình phục dựng nhiều khả năng sẽ phải thích nghi theo thị hiếu và công nghệ ngày nay, dưới bàn tay của những công nhân xây dựng thế hệ mới.
"Chúng ta cho rằng nhà thờ sẽ được phục hồi về hiện trạng như trước khi vụ cháy xảy ra nhưng đó không phải lựa chọn duy nhất", kiến trúc sư Peter Riddington, người có nhiều kinh nghiệm trong việc phục dựng nhà thờ Windsor, nhận định. "Nhà thờ từng bị cháy trước đây và nó đã được xây lại theo những phong cách khác nhau qua thời gian".
Ngọn tháp bị sụp đổ trong vụ cháy vào tối 15/4 tại Nhà thờ Đức Bà Paris từng bị gãy trước khi được dựng lại trong đợt tu sửa quy mô lớn vào thế kỷ 19. Bản thiết kế của kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc, ngọn tháp được dựng cao hơn và tỉ mỉ hơn so với phiên bản gốc trước đó. Ngoài ra, đợt trùng tu vào thế kỷ 19 cũng dẫn tới những thay đổi quan trọng khác của nhà thờ ở mặt tiền và kiến trúc bên trong.
Việc xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà, nơi được xem là "trái tim" của thủ đô Paris sau vụ hỏa hoạn có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí hơn một thập niên. Tuy vậy, với lịch sử từng mất tới 182 năm ròng rã xây dựng và tồn tại trong nhiều thế kỷ như Nhà thờ Đức Bà Paris, quá trình phục dựng lần này, lạc quan mà nói, sẽ chỉ là dấu mốc mới nhất trong lịch sử nhiều lần trùng tu của công trình đã đứng vững suốt 850 năm qua.
"Đây không phải công trình được bảo tồn hoàn hảo và bị phá hủy hoàn toàn vào tối 15/4. Bạn phải hình dung đây là một chương mới trong lịch sử kéo dài của sự sáng tạo, phá hủy và sửa chữa. Nhà thờ đã sống sót qua các cuộc chiến tranh, qua các cuộc cải cách và tôi nghĩ đây sẽ là một chương mới trong lịch sử của nhà thờ" - tiến sỹ Jonathan Foyle nhận định.
Dù một phần của Nhà thờ Đức Bà Paris giờ đã thiêu rụi, nhưng chúng ta vẫn có thể tiếp cận những dữ liệu quý giá một cách chi tiết đến kinh ngạc của công trình này trong bản vẽ 3D laser, hay thậm chí là trong một trò chơi điện tử.
Niềm đam mê mãnh liệt với kiến trúc từ thời Trung cổ, và đặc biệt là với nhà thờ Đức Bà Paris, đã thôi thúc cố kiến trúc sư Andrew Tallon tự viết cho mình một tài liệu theo cách rất riêng về nhà thờ này. Ông đặt thiết bị ở khoảng 50 địa điểm khác nhau, để ghi lại hơn một tỷ điểm ảnh về không giau, cấu trúc và tạo ra một mô hình 3D hoàn hảo của Nhà thờ Đức Bà với độ chính xác tới mỗi 5 milimét.
"Ông muốn nhìn thấu suy nghĩ của những người đã xây nên công trình", cựu sinh viên của ông, anh Lindsay Cook, giảng viên tại Đại học Vassar, nói. "Thầy ấy quan tâm đến việc sử dụng dữ liệu quét laser để tìm những chi tiết như vết nứt nhỏ trong công trình, ở những nơi mà mọi thứ không hoàn toàn ngay ngắn hoặc thẳng đứng, nơi bạn có thể nhìn thấy bàn tay của một kiến trúc sư riêng biệt và trong trường hợp đó là bàn tay của từng thợ xây."
Mô hình laser không chỉ là "đài tưởng niệm hoàn hảo" của nhà thờ, mà nó cung cấp thêm độ chính xác cho các bản vẽ mà giới kiến trúc sư ở Pháp lưu giữ, đặc biệt là khi các kiến trúc cổ xưa như mái và tháp Mũi Tên vốn rất khó đo lường về mặt vật lý.
"Nếu các nhà phục dựng có bất kỳ câu hỏi nào về cách Nhà thờ được xây dựng trước đây, họ có thể nhìn vào bản quét và đánh giá từng chi tiết một." ông Dan Edleson, giám đốc công ty mô hình hóa thông tin STEREO nhận định. "Bản vẽ này chính xác đến mức nhiều năm sau vẫn không ai có thể thực hiện lại được."
Không chỉ có tư liệu của tiến sĩ Andrew Tallon, một đề xuất khác để tìm hiểu về cấu trúc của Nhà thờ Đức Bà cũng xuất hiện nhưng là từ một nguồn tham khảo không ít ai ngờ tới:…trò chơi điện tử. Tựa game nổi tiếng Assasin’s Creed của nhà sản xuất Ubisoft lấy bối cảnh là thành phố Paris vào năm 1789.
Họa sĩ Caroline Miousse đã dành tới 2 năm để mô phỏng nhà thờ Đức Bà trong phiên bản đồ hoạ một cách chính xác và tỉ mỉ tới từng khối đá, từng viên gạch. Cô thậm chí còn nhờ tới sự trợ giúp của các nhà sử học để đánh gia những bức tranh cổ treo trên tường mới chính xác. Và kết quả là chúng ta một nhà thờ Đức Bà trong trò chơi gần như chính xác nhất với bản gốc.
Mặc dù quyết định cuối cùng về tư liệu tham khảo để tái thiết nhà thờ vẫn được đưa ra, nhưng ít nhất, sự hỗ trợ của công nghệ tân tiến cũng thắp lên một tia hy vọng khả thi cho việc phục dựng một biểu tượng văn hóa lịch sử lâu đời như Nhà thờ Đức Bà Paris.
Bình luận (0)