Quyết định này được đưa ra sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng giữa các quốc gia thành viên EU, Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu. Thỏa thuận đồng thuận xác định thời điểm luật có hiệu lực sẽ là ngày 30/12/2025 đối với các công ty lớn và ngày 30/6/2026 đối với các doanh nghiệp nhỏ. Theo đó, các doanh nghiệp lớn sẽ bắt đầu thực thi luật chống phá rừng vào cuối năm 2025 và doanh nghiệp vừa và nhỏ là giữa năm 2026.
Mặc dù thời hạn thực hiện được kéo dài, nội dung cốt lõi của luật chống phá rừng vẫn được giữ nguyên, bất chấp những nỗ lực của Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu nhằm điều chỉnh các quy định. EPP đã đưa ra đề xuất tạo danh mục "không rủi ro" nhằm giảm nhẹ yêu cầu thẩm định đối với các sản phẩm xuất xứ từ các khu vực có nguy cơ phá rừng thấp.
Tuy nhiên, sáng kiến này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Ủy ban châu Âu và nhiều quốc gia thành viên, buộc EPP phải rút lại đề xuất. Đây được coi là thất bại đáng kể đối với nỗ lực giảm bớt các quy định quản lý của EPP.
Theo luật, các sản phẩm như cà phê, ca cao, dầu cọ, gỗ, đậu nành và cao su sẽ phải đáp ứng tiêu chí bền vững, không góp phần vào nạn phá rừng trước khi được phép bán tại EU. Đây là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực giảm phát thải carbon, phá rừng được xác định là nguồn phát thải lớn thứ hai sau nhiên liệu hóa thạch.

Rừng Amazon bị đốt phá nặng nề tại Brazil (Ảnh: Getty Images/ TTXVN)
Quyết định hoãn một năm nhằm đáp ứng những lo ngại từ các nước xuất khẩu như Brazil, Indonesia và Bờ Biển Ngà. Các quốc gia này lo ngại luật sẽ gây khó khăn cho nông dân nhỏ lẻ và gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong khi đó, một số quốc gia thành viên EU như Đức và Áo cũng đã ủng hộ việc trì hoãn để giảm áp lực cho doanh nghiệp trong nước.
Luật chống phá rừng của EU nhằm bảo vệ rừng trên toàn cầu bằng cách ngăn chặn việc nhập khẩu các sản phẩm như ca cao, cà phê, đậu nành, thịt bò, dầu cọ, gỗ và các sản phẩm liên quan khác mà có nguồn gốc từ việc phá rừng. Việc trì hoãn thi hành luật này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các tổ chức bảo vệ môi trường.
Văn bản cuối cùng sẽ cần được Nghị viện châu Âu và Hội đồng EU phê chuẩn chính thức trước khi ban hành để có hiệu lực pháp lý. Quyết định này đánh dấu một bước lùi trong nỗ lực xây dựng một môi trường bền vững, đồng thời đặt ra thách thức lớn cho EU trong việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Bình luận (0)