Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất xảy ra ở độ sâu 57 km, với tâm chấn cách thành phố Port Vila khoảng 30 km về phía Tây. Ngay sau đó, một dư chấn mạnh 5,5 độ richter tiếp tục làm rung chuyển khu vực này, khiến người dân lo ngại.
Giới chức đã phát cảnh báo sóng thần, nhưng cảnh báo này đã được dỡ bỏ sau chưa đầy 2 giờ. Tuy nhiên, cư dân vẫn được khuyến cáo tránh xa các khu vực ven biển ít nhất 24 giờ cho đến khi các hệ thống giám sát hoạt động trở lại.
Hiện tại, hệ thống điện và viễn thông tại Vanuatu bị gián đoạn nghiêm trọng, khiến việc cập nhật thông tin gặp khó khăn. Một số đoạn video và hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhiều tòa nhà ở Port Vila bị sập, thậm chí có công trình đổ lên ô tô.
Theo phóng viên AP, một sĩ quan cảnh sát địa phương đã báo cáo về một trường hợp tử vong và chứng kiến nhiều người bị thương đang được điều trị bên ngoài Bệnh viện Vila Central. Các bác sĩ đang nỗ lực cứu chữa trong tình trạng thiếu thốn trang thiết bị.
Bộ Ngoại giao New Zealand xác nhận một tòa nhà văn phòng nơi có nhiều cơ quan ngoại giao, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và New Zealand, đã bị hư hại nghiêm trọng. Đại sứ quán Mỹ thông báo văn phòng sẽ tạm thời đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.
Bà Katie Greenwood, đại diện Văn phòng Chữ thập đỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lo ngại thiệt hại tại khu vực trung tâm Port Vila có thể rất nghiêm trọng. Bà cho biết khu vực này có nhiều tòa nhà lớn và khách sạn, đồng thời nhấn mạnh việc thiếu thông tin chính thức khiến tình hình thêm phức tạp.
Ngoại trưởng Australia Penny Wong khẳng định toàn bộ nhân viên của Cao ủy Australia tại Vanuatu đều an toàn và nước này sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.
Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters cũng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tình hình tại Vanuatu, đồng thời xác nhận 45 công dân New Zealand đang có mặt tại quốc đảo này.
Bình luận (0)