Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cũng chỉ ra bằng chứng là hầu hết các quốc gia có vũ khí hạt nhân đã tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí vào năm 2024, đặc biệt là Mỹ và Nga.
Ông Dan Smith - Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Thụy Điển - chia sẻ: "Chúng ta thấy những dấu hiệu cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới sắp diễn ra. Và điều này sẽ không chỉ đơn thuần là về số lượng đầu đạn hay số lượng tên lửa. Đây là một cuộc chạy đua vũ trang có tính công nghệ cao. Nó sẽ diễn ra trong không gian vũ trụ và trong không gian mạng, với phần mềm chỉ đạo vũ khí hạt nhân là một trong những vấn đề mà các cường quốc sẽ cạnh tranh với nhau".
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết các cường quốc hạt nhân, là Mỹ và Nga - sở hữu khoảng 90% kho vũ khí hạt nhân của thế giới - trong năm 2024 đã "nâng cấp vũ khí hiện hạt nhân có và bổ sung các phiên bản mới hơn".
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các đầu đạn cũ thường được tháo dỡ nhiều hơn so với các đầu đạn mới được triển khai, dẫn đến việc giảm tổng số đầu đạn. Nhưng Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cảnh báo rằng xu hướng này có khả năng sẽ đảo ngược trong những năm tới. Đặc biệt là trường hợp của Trung Quốc, báo cáo của Viện này cho biết Trung Quốc có khoảng 600 đầu đạn hạt nhân và đã bổ sung thêm 100 đầu đạn mới vào năm 2023 và 2024.

Tên lửa liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Titan II của Mỹ (Ảnh: Sputnik/TTXVN)
SIPRI đã thống kê tổng cộng 12.241 đầu đạn vào tháng 1/2025, trong đó 9.614 đầu đạn đang được dự trữ để sử dụng, đồng thời lưu ý rằng Ấn Độ và Pakistan đều "tiếp tục phát triển các loại hệ thống phân phối vũ khí hạt nhân mới vào năm 2024". SIPRI cho biết Ấn Độ có "kho dự trữ ngày càng tăng", bao gồm khoảng 180 vũ khí hạt nhân vào đầu năm 2025, trong khi kho vũ khí của Pakistan vẫn ổn định ở mức khoảng 170 đầu đạn.
"Nếu Ấn Độ sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Pakistan hoặc Pakistan chống lại Ấn Độ, thì sự trả đũa là hoàn toàn có thể đoán trước và sẽ tàn phá cả hai bên. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng có nguy cơ cao về việc họ sử dụng vũ khí hạt nhân có chủ đích. Điều tôi lo lắng là một tai nạn kỹ thuật có thể xảy ra, có thể là trục trặc trong phần mềm của một trong những hệ thống rất phức tạp và tinh vi này, mọi biện pháp phòng ngừa đều bị hiểu sai, điều này có thể xảy ra trong bầu không khí thù địch và nghi ngờ lẫn nhau giữa hai bên" - ông Dan Smith phân tích.
Ông Smith nhấn mạnh rằng cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân sắp xảy ra sẽ không chỉ là về "số lượng đầu đạn": "Không chỉ là vấn đề đếm đầu đạn, bom và máy bay ném bom. Bây giờ là vấn đề là các năng lực vũ khí hạt nhân trong không gian vũ trụ và không gian mạng của các bên như thế nào. Và cũng không chỉ giữa hai bên, như trước đây là Mỹ và Liên Xô, sau đó là Mỹ và Nga. Bây giờ còn phải nghĩ đến Trung Quốc nữa".
Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo cũng có thể bắt đầu đóng một vai trò, ban đầu là dạng bổ sung cho con người.
Ông Dan Smith cho biết: "Bước tiếp theo sẽ là tiến tới tự động hóa hoàn toàn. Đó là bước không bao giờ được cho phép thực hiện. Nếu triển vọng thoát khỏi nguy cơ chiến tranh hạt nhân của chúng ta nằm trong tay trí tuệ nhân tạo, tôi nghĩ rằng khi đó chúng ta sẽ tiến gần hơn đến ngày tận thế. Có vẻ như một số quốc gia, một số chính phủ đang nghĩ đến việc làm ra những vũ khí hạt nhân nhỏ hơn để sử dụng được nhiều hơn, cho rằng đó là bộ mặt thân thiện của vũ khí hạt nhân. Nhưng không có bộ mặt thân thiện nào của vũ khí hạt nhân cả!".
Bình luận (0)