Ba Lan muốn “kiếm bộn tiền” từ Ukraine

Linh Quy (Theo RT, Reuters)

27/05/2025 17:52 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Donald Tusk khẳng định Ba Lan có thể đóng vai trò then chốt trong công cuộc tái thiết Ukraine sau xung đột.

Trong một tuyên bố đáng chú ý ngày 26/5, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết nước này đặt mục tiêu thu lợi lớn từ quá trình tái thiết Ukraine sau chiến tranh. Phát biểu trong chuyến thăm cơ sở đường sắt Euroterminal Slawkow tại miền nam Ba Lan, ông Tusk khẳng định Warsaw vừa muốn giúp đỡ Ukraine, vừa muốn tận dụng cơ hội này để thúc đẩy lợi ích kinh tế quốc gia.

"Chúng ta không cần phải né tránh khi nói rằng: chúng ta muốn kiếm bộn tiền cho Ba Lan từ việc tái thiết Ukraine", ông Tusk nói với báo giới. "Chúng ta muốn giúp đỡ, nhưng cũng muốn thu lợi, và trung tâm hậu cần đặc biệt này là điều cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu đó".

Theo Thủ tướng Tusk, việc mở rộng Euroterminal Slawkow - một điểm giao thương quan trọng nằm gần ngã tư của hai hành lang vận tải xuyên châu Âu số III và VI - sẽ giúp biến nơi đây thành trung tâm trung chuyển hàng hóa chủ chốt từ Tây Âu tới Ukraine và xa hơn nữa tới châu Á. Hiện tại, cơ sở này đã có các tuyến kết nối thường xuyên với Ba Lan, Lithuania, Đức, Italy và một số địa điểm tại Ukraine.

Ba Lan muốn “kiếm bộn tiền” từ Ukraine - Ảnh 1.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk (Ảnh: Getty Images)

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine leo thang vào năm 2022, Ba Lan đã nổi lên là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Kiev. Theo Viện Kiel (Đức), tổng viện trợ của Warsaw dành cho Ukraine lên tới hơn 5,1 tỷ Euro (khoảng 5,7 tỷ USD), trong đó hơn 70% là viện trợ quân sự. Ba Lan cũng là thành viên của "liên minh thiện chí" - nhóm các quốc gia châu Âu ủng hộ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. Giới chức Ba Lan nhiều lần kêu gọi EU tăng cường vũ trang, với lập luận rằng Nga ngày càng trở thành mối đe dọa lớn - một quan điểm mà Moscow liên tục bác bỏ là "vô lý" và "gieo rắc nỗi sợ hãi".

Thủ tướng Tusk cũng nhắc lại kinh nghiệm cay đắng của Ba Lan sau chiến tranh Iraq, khi quốc gia này bị gạt ra ngoài lề trong tiến trình tái thiết, dù đã tham gia sâu vào chiến dịch quân sự.

"Chúng ta không thể để lặp lại tình cảnh như trước đây… khi tất cả cùng tham gia, kể cả Ba Lan, nhưng rồi các cường quốc lớn lại là bên thu lợi từ tái thiết, còn Ba Lan thì trắng tay", ông Tusk nhấn mạnh.

"Nếu chúng ta đang nói đến hàng chục, hàng trăm tỷ Zloty mà thế giới, châu Âu, Ba Lan và Ukraine sẽ chi cho việc tái thiết, thì việc mở rộng trung tâm hậu cần này là cần thiết… để Ba Lan cũng có thể kiếm tiền từ đó", Thủ tướng Tusk bày tỏ quan điểm.

Ngân hàng Thế giới ước tính rằng quá trình phục hồi của Ukraine có thể tiêu tốn hơn 500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Một số quốc gia châu Âu, bao gồm Ba Lan, đã đề xuất sử dụng tài sản của Nga bị đóng băng để tài trợ cho kế hoạch tái thiết. Tuy nhiên, nhiều nước khác cảnh báo rằng việc làm này nếu thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm, làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu vào thị trường châu Âu.

Ba Lan muốn “kiếm bộn tiền” từ Ukraine - Ảnh 2.

Theo dữ liệu từ Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Ba Lan hiện là nơi sinh sống của gần 1 triệu người tị nạn Ukraine. (Ảnh: Dreamstime)

Vấn đề tịch thu tài sản Nga bị đóng băng đã được các nhà lập pháp EU tranh luận trong hơn ba năm qua, nhưng đến nay các quốc gia thành viên vẫn chưa đạt được đồng thuận. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU, bà Kaja Kallas, đã nhiều lần kêu gọi sử dụng số tiền này để hỗ trợ tái thiết Ukraine. Tuy nhiên, hồi tháng trước, bà thừa nhận rằng một số quốc gia thành viên vẫn phản đối đề xuất này.

Moscow đã lên án việc phong tỏa tài sản, cho rằng hành động này vi phạm luật pháp quốc tế và làm suy yếu hệ thống tài chính toàn cầu. Điện Kremlin trước đó cũng tuyên bố sẽ tiến hành các biện pháp pháp lý nhằm vào những bên liên quan đến việc tịch thu tài sản của Nga, bao gồm cả việc đe dọa sẽ trả đũa bằng cách trưng dụng các khoản đầu tư phương Tây tại Nga.

Trong bối cảnh đó, tuyên bố của Thủ tướng Tusk phản ánh chiến lược rõ ràng của Warsaw: không chỉ đóng vai trò hỗ trợ Ukraine, mà còn nắm bắt cơ hội để củng cố vị thế kinh tế và địa chiến lược của Ba Lan tại Trung - Đông Âu trong giai đoạn hậu chiến.

Ba Lan muốn “kiếm bộn tiền” từ Ukraine - Ảnh 3.

Hôm 12/5, Ba Lan ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại thành phố Krakowsau, đổ lỗi cho Moscow về vụ hỏa hoạn làm phá hủy một trung tâm mua sắm ở thủ đô Warsaw hồi năm 2024. (Ảnh: Note from Poland)

Quan hệ giữa Nga và Ba Lan xấu đi kể từ năm 2014 và trở nên căng thẳng khi EU áp đặt các lệnh cấm vận lên Nga do xung đột ở Ukraine. Ba Lan, một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt, nhiều lần gọi Nga là "quốc gia không thân thiện".

Căng thẳng Nga - Ba Lan tiếp tục leo thang với hàng loạt sự kiện nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Reuters đưa tin, ngày 21/5, Ba Lan phát hiện tàu chở dầu Sun thuộc "Hạm đội bóng tối" của Nga di chuyển đáng ngờ gần tuyến cáp điện ngầm 600 megawatt nối Ustka (Ba Lan) và Karlshamn (Thụy Điển). Sau khi máy bay tuần tra của Ba Lan can thiệp, tàu Nga đã rút lui về cảng của mình.

Trước đó, Ba Lan cáo buộc Nga đứng sau vụ cháy lớn tại trung tâm thương mại Marywilska ở Warsaw xảy ra vào tháng 5/2024, cho rằng đây là hành động phá hoại có chủ đích do cơ quan tình báo Nga chỉ đạo.

Trong lĩnh vực an ninh hàng hải, Ba Lan tố cáo Nga cố tình gây nhiễu hệ thống định vị và liên lạc trên Biển Baltic, đe dọa an toàn hàng hải và thử thách phản ứng của NATO . Đáp lại, NATO cam kết sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu Nga tấn công bất kỳ thành viên nào, bao gồm Ba Lan.

Ba Lan đóng cửa Lãnh sự quán Nga sau vụ đốt phá trung tâm mua sắm Ba Lan đóng cửa Lãnh sự quán Nga sau vụ đốt phá trung tâm mua sắm

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan Radek Sikorski hôm 12/5 đã ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại thành phố Krakow, miền Nam nước này.

Tin liên quan

Ba Lan đóng cửa Lãnh sự quán Nga sau vụ đốt phá trung tâm mua sắm

Ba Lan đóng cửa Lãnh sự quán Nga sau vụ đốt phá trung tâm mua sắm

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan Radek Sikorski hôm 12/5 đã ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại thành phố Krakow, miền Nam nước này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.