
(Ảnh: UN Climate Change)
Với quyết định này, tổng ngân sách cơ bản dành cho khí hậu của Liên hợp quốc sẽ được nâng lên 94,5 triệu USD trong hai năm 2026 - 2027.
Đây được coi là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh nhiều cơ quan khác của Liên hợp quốc phải đối mặt với các đợt cắt giảm ngân sách nghiêm trọng, một phần do Mỹ giảm mức đóng góp và làn sóng phản đối chính sách khí hậu tại một số nước châu Âu.
Trong số các nước nhất trí cam kết mới, Trung Quốc thông báo sẽ tăng đóng góp từ 15% lên 20% cho ngân sách. Trong khi đó, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - tiếp tục được phân bổ tỷ lệ đóng góp cao nhất, ở mức 22%. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và ngừng cấp vốn cho các quỹ khí hậu quốc tế, phần đóng góp này không còn được chính phủ Mỹ thực hiện. Thay vào đó, Quỹ Bloomberg Philanthropies tuyên bố hỗ trợ phần đóng góp tương ứng thay cho Mỹ trong giai đoạn mới.
Thư ký điều hành UNFCC - ông Simon Stiell - hoan nghênh quyết định tăng ngân sách, gọi đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy các chính phủ vẫn coi hợp tác khí hậu do Liên hợp quốc điều phối là thiết yếu, ngay cả trong giai đoạn khó khăn”.

Các quan chức của Ban thư ký UNFCCC tham gia tham vấn tại bục phát biểu (Ảnh: IISD/ENB)
Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi các nước đẩy nhanh tiến trình đàm phán trong bối cảnh còn nhiều nội dung cần hoàn thiện trước Hội nghị lần thứ 30 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ (COP30) dự kiến diễn ra tại Brazil vào tháng 11 tới. Ông nhấn mạnh các nỗ lực cần được đẩy nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và đảm bảo công bằng hơn.
UNFCCC là cơ quan tổ chức các hội nghị khí hậu thường niên, đồng thời giám sát thực thi các thỏa thuận quốc tế như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, UNFCCC đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngân sách nghiêm trọng do các quốc gia tài trợ lớn chậm trễ thanh toán, buộc cơ quan này phải cắt giảm nhân sự và hủy một số sự kiện.
Hiện UNFCCC đang vận hành với bộ máy gồm 181 nhân viên được trả lương từ ngân sách cơ bản - con số khiêm tốn so với nhiều cơ quan khác của Liên hợp quốc. Trong khi đó, Ban Thư ký Liên hợp quốc, cơ quan điều hành trung tâm của tổ chức - đang chuẩn bị cắt giảm 20% ngân sách trị giá 3,7 tỷ USD theo một bản ghi nhớ nội bộ.
Tại Hội nghị COP29 năm 2024 ở Azerbaijan, các nước phát triển cam kết nâng mức tài chính khí hậu lên 300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2035 - một con số bị cho là vẫn còn quá thấp. Azerbaijan và Brazil - nước chủ trì COP30 - đã cùng khởi động một sáng kiến nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính, kỳ vọng sẽ có sự đóng góp đáng kể từ các định chế tài chính quốc tế. COP30 diễn ra trong bối cảnh nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 2 năm gần đây đã vượt ngưỡng 1,5 độ C mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đề ra.
Bình luận (0)