
Trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ (Ảnh: THX/TTXVN)
Hôm 26/6, 27 nhà lãnh đạo EU nhất trí gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nga thêm 6 tháng nữa. Quyết định được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra tại Brussels (Bỉ). Theo đó, các lệnh trừng phạt toàn diện của EU đối với cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm cả việc đóng băng hơn 200 tỷ Euro (234 tỷ USD) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, sẽ vẫn có hiệu lực cho đến ít nhất là đầu năm 2026.
Các nhà lãnh đạo EU đưa ra quyết định này khi đang chuẩn bị các phương án dự phòng nhằm duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow trong trường hợp Thủ tướng Hungary Viktor Orban từ chối nhượng bộ.
Các nước thành viên EU lo ngại rằng nếu Budapest không đồng ý gia hạn lệnh trừng phạt có thể làm suy yếu nghiêm trọng đòn bẩy mà EU đang nắm giữ đối với Nga trong bối cảnh Mỹ đang thúc đẩy các nỗ lực hòa bình. Hồi tháng 1/2025, ông Orban đã trì hoãn đến phút chót quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt vốn cần được thông qua định kỳ mỗi 6 tháng một lần.
Mặc dù Liên minh châu Âu đã đảm bảo duy trì các biện pháp trừng phạt hiện có nhưng khối này vẫn chưa thể thông qua gói trừng phạt mới do vấp phải sự phản đối từ Slovakia - đồng minh thân cận của Hungary. Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vừa qua, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã từ chối bật đèn xanh cho vòng trừng phạt tiếp theo với lý do liên quan đến một tranh chấp riêng với Brussels về kế hoạch cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga vào cuối năm 2027. Slovakia hiện vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn khí đốt từ Nga và thu được lợi nhuận từ phí trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ nước này.
Ông Fico đã có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào sáng 26/6, song không đạt được các nhượng bộ mong muốn. Ngay sau đó, ông tuyên bố sẽ tạm hoãn việc phê duyệt gói trừng phạt mới.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các nhà lãnh đạo EU thông qua một gói trừng phạt mạnh mẽ, "nhắm vào hoạt động buôn bán dầu mỏ của Nga, đội tàu chở dầu ngầm, hệ thống ngân hàng và chuỗi cung ứng đưa thiết bị hoặc linh kiện phục vụ sản xuất vũ khí".
Tuy nhiên, theo các quan chức, nỗ lực hạ trần giá dầu xuất khẩu của Nga đã bị gác lại sau khi Washington không ủng hộ đề xuất này trong khuôn khổ sáng kiến rộng hơn của nhóm G7.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022, EU đã áp đặt tổng cộng 17 gói trừng phạt nhằm vào Moscow, với yêu cầu gia hạn định kỳ 6 tháng một lần và cần có sự đồng thuận từ toàn bộ 27 quốc gia thành viên. Hungary là nước từng nhiều lần do dự trong việc ủng hộ các lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) về việc xóa bỏ thuế đối với cả hàng hóa công nghiệp và ô tô, trong khi EU cũng từ chối thay đổi các quy định liên quan đến doanh nghiệp kỹ thuật số cũng như thuế giá trị gia tăng quốc gia. Các nhà kinh tế cho rằng loại thuế này có tính trung lập trong thương mại, bởi được áp dụng đồng đều với cả hàng nhập khẩu lẫn hàng nội địa.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông đã nói với ông Trump qua điện thoại trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh EU rằng châu Âu "sẵn sàng tìm kiếm một thỏa thuận".
Vấn đề thương mại được coi là sống còn đối với nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu của EU. Dự báo tăng trưởng GDP khiêm tốn ở mức 0,9% trong năm nay của Ủy ban châu Âu được xây dựng trên giả định rằng EU có thể đàm phán để hạ mức thuế về ngưỡng tối thiểu 10% theo tiêu chuẩn của ông Trump dành cho hầu hết các đối tác thương mại.
Theo AP, các chuyên gia nhận định rằng, các gói trừng phạt liên tiếp của EU không chỉ gây sức ép lên Nga mà còn tiềm ẩn nguy cơ phản tác dụng, kéo theo nhiều hệ lụy đối với chính Liên minh châu Âu (EU) và nền kinh tế toàn cầu.
Với EU, việc siết chặt kiểm soát đối với “Hạm đội bóng đêm” - mạng lưới tàu chở dầu không minh bạch của Nga - có thể làm gián đoạn dòng chảy dầu mỏ trên thị trường thế giới, từ đó đẩy giá dầu Brent và WTI leo thang. Tác động này đặc biệt đáng lo ngại với các quốc gia nhập khẩu dầu lớn, trong đó có chính các nước EU. Dù khối này đã nỗ lực giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga sau cuộc xung đột tại Ukraine, một số nước như Hungary và Slovakia vẫn đang sử dụng khí đốt Nga ở mức cao. Giá năng lượng tăng sẽ gây áp lực trở lại đối với lạm phát, làm xói mòn nỗ lực ổn định kinh tế.
Hungary và một số quốc gia thành viên khác vì vậy đã lên tiếng phản đối những biện pháp trừng phạt được cho là quá khắt khe, với lo ngại rằng chúng có thể gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho chính châu Âu.
Bình luận (0)