Để tìm hiểu thêm những thông tin xung quanh trường hợp cháu bé 3 tháng tuổi bị tử vong liên quan tới loại vaccine "5 trong 1" của Hàn Quốc, chương trình Cuộc sống thường ngày đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng cục Y tế dự phòng, bộ Y tế.
BTV: Theo thông tin chúng tôi được biết, từ tháng 12/2012 – cuối tháng 3/2013 đã có 7 cháu bé tử vong và 5 trường hợp có phản ứng nặng sau khi tiêm vaccine loại “5 trong 1” của Hàn Quốc. WHO đã thông báo một số nước có trẻ tử vong do loại vaccine này, ngay tại Hàn Quốc đã không còn sử dụng loại vaccine này. Tại sao tại Việt Nam, bộ Y tế lại chưa đưa ra quyết định ngừng sử dụng vaccine này ở Việt Nam?.
Ông Nguyễn Văn Bình: Việc đưa vaccine là đưa kháng nguyên vào trong cơ thể tạo miễn dịch để phòng bệnh, giống như một vật lạ được đưa vào trong cơ thể, đương nhiên sẽ có những phản ứng. Tuy nhiên, với công nghệ khác nhau, nhà sản xuất đã làm giảm tối đa các phản ứng mà vẫn đảm bảo hiệu lực của vaccine. Như vậy có nghĩa, không có loại vaccine nào an toàn một cách tuyệt đối.
Hiện tại, tại Việt Nam đã sử dụng được 15 triệu liều vaccine Quinvaxem sản xuất tại Hàn Quốc. Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, vaccine Quinvaxem được sử dụng từ năm 2006, hiện tại cung cấp khoảng 400 triệu liều ở 91 quốc gia.
Ở Việt Nam, ghi nhận các trường hợp phản ứng có cả trường hợp tử vong liên quan tới tiêm chủng. Việc này không có nghĩa tử vong là do vaccine. Hiện nay theo quy định của chương trình tiêm chủng, trẻ tiêm chủng sẽ được theo dõi 2 – 3 ngày, có tất cả biến cố đều sẽ được ghi chép kể cả trường hợp tử vong.
Các trường hợp tử vong, chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ được mời đánh giá, xem xét để biết được trường hợp tử vong đó có phải do vaccine hay không. Hiện nay, trong tất cả các trường hợp đó, chưa nhận thấy có trường hợp tử vong nào do vaccine.
Nếu trường hợp xác định được tử vong do vaccine, tôi nghĩ rằng bộ Y tế sẽ cho dừng sử dụng vaccine ngay. Những trường hợp tử vong là những trường hợp có yếu tố liên quan và trong đó điều tra phân loại, xác định những trường hợp nào tử vong trùng hợp vào thời điểm đó.
Đối với Hàn Quốc và nhiều nước dùng Quinvaxem, có nhiều nước lại không dùng loại vaccine này. Việc sử dụng vaccine Quinvaxem có tới 91 quốc gia trên toàn thế giới. Đối với Tổ chức Y tế Thế giới cho tới nay, chưa bao giờ có trường hợp tử vong như vậy cả.
BTV: Thưa ông, vậy cho tới thời điểm này đã có kết luận về trường hợp cháu bé 3 tháng tuổi bị tử vong tại Hải Dương hay chưa?
Ông Nguyễn Văn Bình: Chúng tôi nhận được thông tin cháu bé ở Hải Dương, chúng tôi đã tiếp cận sở Y tế Hải Dương, yêu cầu đánh giá tai biến vaccine cần phải họp ngay. Do nhiều nguyên nhân bất khả kháng, ngày 4/4 sở Y tế mới họp được, cho tới tối ngày 4/4 sở Y tế tỉnh Hải Dương sẽ hoàn chỉnh biên bản báo cáo và được gửi về bộ Y tế.
BTV: Đại diện tiêm chủng mở rộng cho rằng, việc tai biến vaccine sẽ dừng ở mức 1/ 1.000.000 liều, tuy nhiên trong thời gian gần đây có rất nhiều ca tai biến xảy ra và nhiều cháu đã tử vong. Vậy theo ông, những con số này do tai biến đã vượt qua mức cho phép mà chương trình tiêm chủng mở rộng đưa ra hay chưa?
Ông Nguyễn Văn Bình: Các trường hợp phản ứng nhẹ hay nặng đều được chúng tôi thông kê đầy đủ. Hiện nay, theo tính toán của chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta đang là 0,69 là mức thấp hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất cũng như những thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới.
BTV: Qua trao đổi với các bà mẹ và trên thực tế cho thấy việc khám sàng lọc cho các cháu bé sơ sinh khi tới thực hiện công tác tiêm chủng còn nhiều yếu tố bất cập, 1 bác sĩ 1 buổi sáng có thể khám cho 100 cháu bé. Dụng cụ khám chỉ với tai nghe, cặp nhiệt độ. Theo ông, với thời gian chỉ khoảng 1 phút cùng với những thiết bị thô sơ như vậy thì liệu có thể phát hiện ra các cháu mắc các bệnh bẩm sinh hay có thể dị ứng với các thành phần nào của thuốc hay không?
Ông Nguyễn Văn Bình: Theo quy định của bộ Y tế, trước khi tiêm cán bộ Y tế sẽ thực hiện một số yếu tố kỹ thuật, xem xét và chỉ định trước khi tiêm. Khái niệm “khám sức khỏe” sẽ rất rộng, khám có thể đầy đủ như nhìn, sờ, gõ, nghe, có các xét nghiệm phi lâm sàng kèm theo.
Đối với trường hợp tiêm chủng, với trẻ dưới 1 tuổi ngay từ khi sinh ra các trạm y tế đã sơ bộ theo dõi sức khỏe của các cháu. Khám trong tiêm chủng chỉ lưu ý tới một số yêu cầu chính có liên quan tới việc chống chỉ định hay không chống chỉ định để quyết định cho cháu được tiêm.
Theo khuyến cáo chung của Tổ chức Y tế Thế giới, cơ hội trẻ đến bàn tiêm phải được ưu tiên. Tuy nhiên, một số trường hợp sốt quá cao, sốt trên 38 độ, một số phản ứng đặc biệt như phản ứng với những mũi tiêm trước, hoặc gia đình có những yếu tố phản ứng với các chất lạ… chỉ thăm, hỏi, khám, kiểm tra những trường hợp đó, để có chỉ định.
Chúng tôi cho rằng một ngày 70 – 100 cán bộ y tế hoàn toàn có thể chủ động và thực hiện đúng được các yêu cầu đặt ra.
BTV: Xin cảm ơn những thông tin của ông đã đem tới chương trình.
Mời quý vị và các bạn theo dõi Video cuộc trao đổi TẠI ĐÂY.
Bình luận (0)