Sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng đất hiếm

Ban Thời sự

25/06/2025 13:39 GMT+7

VTV.vn - Các quốc gia đang có xu hướng đẩy mạnh đầu tư, tăng cường năng lực khai thác và chế biến đất hiếm để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Nguồn cung đất hiếm đang bị thắt chặt

Đất hiếm là thành phần rất quan trọng với nhiều ngành công nghiệp như xe điện, chip máy tính, động cơ máy bay, quốc phòng. Trong mỗi thiết bị dùng thường ngày, từ điện thoại thông minh, máy tính bảng, thậm chí nồi cơm điện, tủ lạnh... đều có đất hiếm. Tuy nhiên, thời gian qua, những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - quốc gia đóng góp 61% sản lượng khai thác đất hiếm và 92% sản lượng tinh chế toàn cầu, đang gây sức ép lớn lên chuỗi cung ứng.

Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, trong tháng 5, lượng xuất khẩu nam châm đất hiếm của Trung Quốc đã giảm gần 53% so với tháng 4 và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020. Trong đó, lượng xuất khẩu đến thị trường Mỹ giảm tới 80%, do các biện pháp mà Trung Quốc hạn chế xuất khẩu.

Những lo ngại về nguồn cung đã tạm thời lắng dịu, sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ tăng tốc cấp phép xuất khẩu nam châm đất hiếm, như một phần trong thỏa thuận thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, sự nới lỏng này hiện chỉ có hiệu lực trong 6 tháng. Và theo các nguồn tin thân cận của Reuters, giới chức Trung Quốc hiện vẫn xử lý các đơn xin cấp phép xuất khẩu khá thận trọng.

Để ứng phó với sự thiếu ổn định của chuỗi cung ứng, hồi tuần trước, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã công bố một kế hoạch tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo nguồn cung khoáng sản thiết yếu, bao gồm đất hiếm. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm theo dõi nguy cơ thiếu hụt khoáng sản thiết yếu, phối hợp ứng phó với các gián đoạn thị trường có chủ đích, cũng như đa dạng hóa và chuyển hoạt động khai thác, chế biến, sản xuất, tái chế về trong nước khi có thể. Các nước G7 cũng sẽ hợp tác chặt chẽ để tăng cường đầu tư vào các dự án khoáng sản thiết yếu.

Sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng đất hiếm - Ảnh 1.

Đất hiếm là thành phần rất quan trọng với nhiều ngành công nghiệp

Các nước đẩy mạnh đầu tư khai thác đất hiếm

Từ chỗ phụ thuộc vào nhập khẩu, các quốc gia giờ đây đang có xu hướng đẩy mạnh đầu tư, tăng cường năng lực khai thác và chế biến đất hiếm để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Điều này được dự báo sẽ tạo ra những sự dịch chuyển đáng chú ý trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.

Sau nhiều thập kỷ dựa vào nhập khẩu, trong những năm gần đây, Mỹ đã nỗ lực hồi sinh mỏ đất hiếm quan trọng nhất của mình là Mountain Pass ở bang California. Không chỉ dừng lại ở khai thác, công ty MP Materials, chủ sở hữu mỏ, đang tăng cường khả năng chế biến đất hiếm, với sự hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng Mỹ.

Nhiều quốc gia khác với trữ lượng đất hiếm dồi dào cũng đang đẩy mạnh đầu tư. Brazil dự kiến sẽ chi ra gần 1,5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới cho các dự án đất hiếm, trong khi Ấn Độ đang xem xét khả năng thúc đẩy công ty đất hiếm quốc doanh của nước này tăng sản lượng với mục tiêu tăng gấp đôi công suất vào năm 2030.

Ông Heron Lim - Chuyên gia kinh tế, Hãng nghiên cứu Moody's Analytics cho biết: "Về mặt trữ lượng đất hiếm, Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu, nhưng cũng còn những quốc gia giàu tiềm năng khác như Brazil, Ấn Độ, Australia và Nga. Chúng tôi nhận thấy, ngày càng nhiều dự án liên quan đến sản xuất đất hiếm đang được triển khai trên toàn cầu, thúc đẩy xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong dài hạn".

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), không giống như tên gọi, đất hiếm không thực sự quá hiếm. Tuy nhiên, việc khai thác ở quy mô lớn sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia.

Ông Heron Lim - Chuyên gia kinh tế, Hãng nghiên cứu Moody's Analytics chia sẻ: "Việc triển khai các dự án đất hiếm sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, từ nỗi lo ngại của người dân về những tác động môi trường, cho tới yêu cầu đáng kể về nguồn vốn, công nghệ và sự hiệu quả về mặt chi phí. Điều này thực sự là rào cản đối với một số quốc gia đang muốn đầu tư mạnh tay vào việc khai thác đất hiếm tại thời điểm này".

GS. Julie Michelle Klinger - Chuyên ngành địa lý học, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Vienna nhận định: "Một trong những lý do khiến các công ty ở Mỹ, Australia hay Canada khó khởi động sản xuất và xử lý đất hiếm là vì nguồn cung toàn cầu thực sự khá ổn định. Khi một mỏ mới được công bố hoặc sắp đi vào hoạt động, giá đất hiếm trên toàn cầu sẽ có xu hướng giảm, khiến việc phát triển các mỏ tiếp theo trở nên kém hiệu quả về mặt kinh tế. Điều này khiến việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng gặp nhiều khó khăn".

Theo các chuyên gia, các dự án đất hiếm sẽ là cuộc đua dài hơi, bởi thời gian thiết lập mỏ mới và nhà máy tinh chế thường mất hàng thập kỷ, đòi hỏi sự đầu tư lớn về vốn và kỹ thuật. Tuy nhiên, sẽ ngày càng nhiều quốc gia tham dự vào cuộc đua này với mục đích giảm thiểu rủi ro, trong bối cảnh quan hệ thương mại toàn cầu có nhiều xáo trộn.

Sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng đất hiếm - Ảnh 2.

Các nam châm sẽ được tháo rời từ linh kiện gốc và xử lý hóa học bằng lò nung, máy trộn và bộ lọc để tạo ra oxit đất hiếm

Tái chế đất hiếm giúp tăng tự chủ nguồn cung

Bên cạnh các dự án khai thác mới, một lựa chọn khác đang được nhiều nền kinh tế như châu Âu hay Nhật Bản hướng tới là tái chế đất hiếm. Biện pháp này không chỉ giúp tăng cường tự chủ nguồn cung, mà còn giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững hơn.

Nhà máy của tập đoàn Itelyum là cơ sở quy mô công nghiệp đầu tiên tại châu Âu tiến hành tái chế các loại đất hiếm quan trọng từ nam châm vĩnh cửu đã qua sử dụng. Các nam châm sẽ được tháo rời từ linh kiện gốc và xử lý hóa học bằng lò nung, máy trộn và bộ lọc để tạo ra oxit đất hiếm.

Với số vốn đầu tư hơn 3 triệu Euro, Liên minh châu Âu (EU) kỳ vọng, những nhà máy như thế này sẽ góp phần tăng tính tự chủ của khối đối với nguồn cung đất hiếm. Trong Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng được thông qua hồi cuối năm ngoái, EU đã đặt mục tiêu đến năm 2030, khối sẽ tự cung tự cấp 10% nhu cầu đất hiếm khai thác và 25% nhu cầu tái chế, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Ông Francesco Gallo - Giám đốc Vận hành, Tập đoàn Itelyum nêu ý kiến: "Châu Âu đang không có đủ nguồn cung đất hiếm để sản xuất các thiết bị quan trọng. Trong khi đó, tất cả các quốc gia đều quan tâm đến việc có được những nguyên liệu này, bởi chúng không chỉ sử dụng trong các công nghệ xanh, mà còn cả công nghệ quân sự".

Một nền kinh tế lớn khác là Nhật Bản cũng đã đẩy mạnh các nỗ lực tái chế từ nhiều năm qua. Ngoài việc nghiên cứu tái chế kim loại đất hiếm từ thiết bị điện tử, nước này còn chủ động xây dựng các cơ sở tái chế đất hiếm thu hồi từ nước ngoài, tích cực ứng dụng các công nghệ mới. Năm ngoái, thị trường tái chế đất hiếm của Nhật Bản đạt giá trị 2,83 tỷ USD và dự kiến tăng lên 7,56 tỷ USD vào năm 2033.

Tin liên quan

Ấn Độ tăng cường đầu tư khai thác đất hiếm

Ấn Độ tăng cường đầu tư khai thác đất hiếm

VTV.vn - Dù sở hữu trữ lượng đất hiếm đáng kể, Ấn Độ hiện vẫn chưa tận dụng hiệu quả tiềm năng này do hạn chế về công nghệ khai thác và sản xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.