Sớm hiện thực hóa chính sách phát triển công nghiệp

Ban Thời sự

26/06/2025 06:52 GMT+7

VTV.vn - Đẩy mạnh công nghiệp hóa, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; với tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP.

Ngành công nghiệp chiếm vai trò ngày càng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Trong 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tiếp tục tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước chưa cao, vẫn cần có các chính sách hỗ trợ thêm. Đây là nội dung được thảo luận tại Hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam, với chủ đề "Định vị lại vai trò của chính sách công nghiệp thúc đẩy khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng hai con số".

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam ngày càng thu hẹp khoảng cách với các quốc gia trong khu vực. Việt Nam đang xếp thứ 4 trong khu vực ASEAN về chỉ số năng lực cạnh tranh công nghiệp, chỉ sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng động lực chính đến từ xuất khẩu chứ không phải dựa vào giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Mà trong xuất khẩu thì đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tới 2/3 kim ngạch.

Ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ cho hay: "Chúng ta đã tăng hàm lượng công nghệ, hàm lượng xuất khẩu trong các sản phẩm công nghiệp của chúng ta. Tuy nhiên, sự kết nối doanh nghiệp trong nước với nước ngoài, doanh nghiệp lớn và nhỏ trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp chế biến chế tạo chưa được tốt. Năng lực cạnh tranh của chúng ta trong lĩnh vực này còn tương đối thấp".

Chính sách công nghiệp đóng vai trò then chốt giúp khu vực tư nhân hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Do đó, thời gian tới, các chuyên gia nhấn mạnh cần sớm hiện thực hóa các nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là các ưu đãi về đất đai, vốn đầu tư, lao động và công nghệ.

PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Ngoài mục tiêu về công nghệ thì chính sách công nghiệp phải hết sức toàn diện, nó không phải chỉ là định hướng chính sách, nó phải là chính sách cụ thể. Ví dụ chúng ta nhìn thấy hiện nay Việt Nam cần phải phát huy những ngành công nghiệp phụ trợ hoặc phát huy những ngành mà chúng ta có lợi thế như những ngành công nghiệp chế biến".

"Để ngành công nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì chúng tôi cho rằng Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực. Nếu lao động trong nước có đủ trình độ, làm chủ được công nghệ thì mới tạo ra được hàm lượng giá trị gia tăng cao. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ, chuẩn hóa được quy trình điều hành, đẩy nhanh chuyển đối số và chuyển đổi xanh. Qua đó, tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập", bà Dorsati Madani - Chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho hay.

Trong chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; với tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP.

Tin liên quan

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.