
Hình minh họa: Canva
Đây không chỉ là một bệnh lý hiếm gặp mà còn là một thách thức lớn trong y học do khó chẩn đoán sớm và điều trị phức tạp. Trong số các bệnh nhân vào viện với chẩn đoán ung thư đường mật thì có khoảng 90% bệnh nhân phát hiện tại thời điểm không thể phẫu thuật.
Thời gian gần đây, các bác sĩ của Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa - Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cắt gan trái, mở ống mật chủ lấy sỏi cho một bệnh nhân nam 69 tuổi, tiền sử mổ cắt túi mật cách 5 năm, đợt này vào viện với triệu chứng đau bụng âm ỉ thượng vị, da củng mạc mắt vàng, gầy sút 3 kg trong vòng 1 tháng. Bệnh nhân được thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. Kết quả cho thấy: Tình trạng tắc mật do 1 viên sỏi vị trí phần thấp ống mật chủ (OMC) kích thước 12 mm. Bilirubin máu - Một chỉ số đánh giá tình trạng tắc mật tăng gấp 5 lần - 63 mmol/l (giới hạn bình thường là dưới 12 mmol/l). Trên phim chụp cắt lớp vi tính: Vị trí hạ phân thùy (HPT) IV có khối giảm tỷ trọng ngấm thuốc kém kích thước 4x2 cm, không loại trừ một tổn thương ác tính của đường mật. Chất chỉ điểm khối ung thư trước mổ (CA 19-9) tăng nhẹ, sinh thiết khối gan trái trước mổ là tổn thương áp xe, tăng sinh đường mật phản ứng.

Hình ảnh u gan HPT IV trong mổ và khối u sau mổ. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật, tổn thương trong mổ là khối u vị trí HPT IV xâm lấn một phần HPT II, III, màu trắng ngà, tính chất sần sùi, mật độ chắc chưa xâm lấn ra các cơ quan tổ chức xung quanh, viêm sỏi vị trí phần thấp OMC kích thước khoảng 1 cm gây tắc nghẽn sự lưu thông của dịch mật, dịch mật chảy ra nhiều vẩn đục. Có nhiều hạch vùng rốn gan đầu tụy. Toàn bộ khối u đã được lấy bỏ hoàn toàn cùng nhu mô gan trái với diện cắt âm tính. Giải phẫu bệnh sau mổ tổn thương là ung thư biểu mô tuyến của đường mật.
Sau phẫu thuật 5 ngày, bệnh nhân ổn định và được xuất viện. Kết quả giải phẫu bệnh xác nhận: Ung thư biểu mô tuyến đường mật - một loại ung thư không phổ biến, diễn tiến âm thầm nhưng cực kỳ ác tính. Rất may, nhờ can thiệp kịp thời, khối u đã được cắt trọn và bệnh nhân hồi phục tốt.
Theo TS.BS Nguyễn Thành Khiêm, sỏi đường mật không chỉ gây đau, gây viêm mà còn là yếu tố nguy cơ gây ung thư.
Sỏi đường mật là tình trạng lắng đọng các chất trong dịch mật tạo thành sỏi. Bệnh lý này rất phổ biến ở Việt Nam và các nước châu Á, nguyên nhân chủ yếu do tình trạng ăn uống kém vệ sinh gây giun chui ống mật. Ban đầu, sỏi có thể chỉ gây ra những cơn đau quặn bụng, sốt, vàng da do tắc nghẽn hoặc viêm. Tuy nhiên, nếu sỏi tồn tại lâu ngày và gây viêm nhiễm mạn tính, nguy cơ hình thành ung thư đường mật sẽ tăng lên đáng kể. Sự phát triển ung thư trên nền sỏi đường mật có thể giải thích bằng một số cơ chế dưới đây.
Sỏi đường mật cọ xát trực tiếp vào niêm mạc ống mật, gây tổn thương cơ học gây đau. Đồng thời, tắc nghẽn do sỏi làm ứ đọng dịch mật, làm thay đổi thành phần hóa học của mật, khiến dịch mật trở nên độc hại với các tế bào biểu mô đường mật. Sỏi gây tắc nghẽn làm dịch mật không lưu thông, tạo môi trường ứ đọng, yếm khí lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Vi khuẩn từ đường ruột có thể di chuyển ngược dòng lên đường mật. Các vi khuẩn trong đường mật có thể sản xuất các độc tố và chất chuyển hóa (ví dụ: acid mật thứ cấp, ammonia) có khả năng gây độc trực tiếp cho ADN của tế bào biểu mô đường mật hoặc thúc đẩy quá trình viêm và biến đổi ác tính.
Tổn thương và ứ đọng dịch mật kích hoạt một chuỗi phản ứng viêm. Các tế bào miễn dịch (như bạch cầu đa nhân trung tính, đại thực bào, lympho bào) được huy động đến vùng viêm, giải phóng các chất trung gian gây viêm (cytokine, chemokines, yếu tố tăng trưởng). Sự tồn tại lâu dài của sỏi trong đường mật gây quá trình viêm mạn tính. Khi quá trình viêm mạn tính kéo dài sự nhân lên của tế bào bị gián đoạn, quá trình sao chép của AND xảy ra lỗi đồng thời làm suy yếu khả năng tự sửa chữa DNA của tế bào, khiến các lỗi đột biến ít được khắc phục hơn. Hơn nữa, tình trạng viêm kéo dài có thể làm "kiệt sức" hệ thống miễn dịch cục bộ, giảm khả năng nhận diện và loại bỏ các tế bào bất thường có nguy cơ trở thành ung thư. Trong quá trình viêm mạn tính, các tế bào cũng miễn sản xuất một lượng lớn các gốc tự do và gây ra các đột biến gen. Khi các đột biến này xảy ra ở các gen quan trọng kiểm soát chu kỳ tế bào (gen tiền ung thư, gen ức chế khối u), chúng có thể dẫn đến sự mất kiểm soát trong tăng sinh tế bào và hình thành khối u ác tính.
Ung thư đường mật thường diễn tiến âm thầm trong giai đoạn đầu, khiến việc phát hiện sớm trở nên khó khăn. Các triệu chứng thường không đặc hiệu và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý gan mật thông thường. Do đó bạn nên đi khám bệnh định kỳ nếu có tiền sử sỏi mật và đặc biệt chú ý khi có các dấu hiệu sau:
Vàng da, vàng mắt: đây là triệu chứng khi khối u gây tắc nghẽn đường mật. Vàng da thường xuất hiện tăng dần, khác với vàng da sỏi mật khi thường kèm theo đau bụng và sốt.
Ngứa da toàn thân: Do tích tụ bilirubin trong máu.
Phân bạc màu, nước tiểu sẫm màu: Cũng là hệ quả của tình trạng tắc mật.
Đau bụng vùng hạ sườn phải hoặc thượng vị: Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, liên tục.
Sụt cân không rõ nguyên nhân: Thường kèm theo mệt mỏi, chán ăn.
Sốt nhẹ kéo dài: Có thể do viêm nhiễm hoặc tình trạng ung thư.
Phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư đường mật
Ung thư đường mật là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng việc chủ động nhận biết, quản lý tốt tình trạng sỏi đường mật và tầm soát định kỳ có thể giúp chúng ta phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, từ đó tăng cơ hội điều trị thành công và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bình luận (0)