Siêu đô thị TP Hồ Chí Minh "đón sóng" đầu tư quốc tế

Ban Thời sự

30/06/2025 20:59 GMT+7

Siêu đô thị TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập đang mở ra cơ hội thu hút dòng vốn quốc tế quy mô lớn, với mục tiêu trở thành trung tâm tài chính tầm khu vực, hướng đến tăng trưởng bền vững và công nghệ cao.

Siêu đô thị TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập không chỉ là một trung tâm tài chính - công nghiệp - cảng biển hàng đầu Việt Nam, đóng góp khoảng 1/4 GDP cả nước, mà thành phố đang vươn lên sánh ngang với những cực tăng trưởng lớn của châu Á như Thượng Hải, Singapore… Việc sáp nhập này cũng mở đường cho sự hình thành các hệ sinh thái đô thị - công nghiệp tích hợp, tăng sức hấp dẫn với các dòng vốn đầu tư quốc tế, vốn đang ngày càng chọn lọc về điểm đến, đặc biệt là trong bối cảnh Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Trung tâm Tài chính quốc tế.

Quy mô kinh tế của siêu đô thị TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập lên tới 125 tỷ USD. Với mục tiêu tăng trưởng GRDP hàng năm từ 10% trở lên trong thập kỷ tới, thành phố sẽ cần một nguồn lực đầu tư vô cùng lớn, khoảng 4,4 triệu tỷ đồng trong 5 năm tới để phát triển hạ tầng và công nghệ. Trong đó, 75% sẽ đến từ khu vực tư nhân và dòng vốn nước ngoài. Các định chế đánh giá, thành phố hội tụ đầy đủ các lợi thế để hấp dẫn dòng vốn quốc tế.

Ông Phạm Văn Thinh - Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết: "Chúng ta có một siêu đô thị gồm cả công nghiệp, dịch vụ và cảng biển, đầy đủ các yếu tố để tạo điều kiện cho thành phố phát triển. Chúng ta xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh cũng sẽ là một bàn đạp để thành phố có thể thu hút được rất nhiều vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài".

Để thu hút mạnh mẽ dòng đầu tư quốc tế, giới đầu tư mong muốn thành phố sẽ sớm hoàn thiện cả hạ tầng cứng như giao thông, cảng biển, năng lượng và hạ tầng mềm như hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư, có cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp. Cùng với đó, là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Quan trọng, để thu hút giới đầu tư, thì phải có "hàng để bán".

Với lợi thế của người đi sau, TP Hồ Chí Minh được khuyến nghị nên đẩy mạnh các lĩnh vực công nghệ cao, fintech, blockchain, tài chính xanh, những lĩnh vực mà các nhà đầu tư chiến lược đang tìm kiếm điểm đến mới. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư quốc tế cũng mong muốn được tiếp cận thông tin đầy đủ, cập nhật về các cơ hội đầu tư vào thành phố.

Dù vậy, việc thu hút vốn sẽ không thể nhanh ngay lập tức. Các nhà đầu tư vẫn đang quan sát những chuyển động thực tế của thành phố trong giai đoạn hậu sáp nhập, đặc biệt là việc vận hành bộ máy chính quyền hai cấp, triển khai các dự án trọng điểm và phát huy các cơ chế đặc thù. Trong ngắn hạn, một trong những "đòn bẩy" được kỳ vọng sẽ kích hoạt dòng vốn ngoại, chính là việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tin liên quan

TP Hồ Chí Minh triển khai phần mềm quản lý đất đai sau hợp nhất

TP Hồ Chí Minh triển khai phần mềm quản lý đất đai sau hợp nhất

TP Hồ Chí Minh đã triển khai phần mềm quản lý đất đai sau hợp nhất nhằm nâng cao hiệu quả, hiện đại hóa cấp sổ hồng và xử lý hồ sơ từ ngày 1/7 tới đây.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.