
Chị Nga theo dõi Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính của TP Cần Thơ được phát sóng trên kênh VTV Cần Thơ. (Ảnh: NVCC).
Tập làm quen với các tên gọi mới
Sáng đầu tuần, dù bận rộn với công việc, chị Lê Nguyễn Thanh Nga (22 tuổi) vẫn dành thời gian để theo dõi buổi phát sóng trực tiếp Lễ công bố Nghị quyết sáp nhập qua chiếc màn hình ti vi.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hậu Giang, chị Nga cho biết, ban đầu chị rất bất ngờ khi biết quê hương mình sẽ chính thức sáp nhập cùng với TP Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng.
"Sẽ cần một chút thời gian để tôi làm quen với các tên gọi hành chính mới, nhưng tôi tin là sẽ ổn thôi", chị Nga tâm sự.
Với chị, sáp nhập không chỉ là sự kiện hành chính đơn thuần, mà còn là dấu mốc cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ của đất nước trong hành trình tinh gọn bộ máy, phát triển hiệu quả. Chị gọi đây là một "thời khắc lịch sử".
"Thật vui khi đất nước có thêm cơ hội để chuyển mình. Tôi hy vọng sau sáp nhập, địa phương tôi sẽ được đầu tư mạnh mẽ hơn về hạ tầng, đường xá, trường học và các dịch vụ công", chị nói.
Trước đó, chị Nga cũng từng nghe nhiều ý kiến cho rằng việc sáp nhập các tỉnh khiến người dân có cảm giác như "mất quê hương". Nhưng với chị, tên gọi có thể thay đổi, còn tình cảm với mảnh đất mình lớn lên thì không. "Ở đây có gia đình, người thân, có những hàng xóm quen mặt từ thuở nhỏ. Chừng đó đã đủ để thấy gắn bó rồi", chị Nga nhấn mạnh.
Cùng theo dõi Lễ công bố Nghị quyết sáp nhập, anh Trần Công Tơ (26 tuổi), một cán bộ trẻ tại xã An Thới Đông, TP Hồ Chí Minh (trước đó là xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ), bày tỏ kỳ vọng lớn vào mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Anh Tơ cùng với một số cán bộ xã Lý Nhơn và xã An Thới Đông theo dõi buổi lễ Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành. (Ảnh: NVCC).
"Việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp không chỉ tinh gọn bộ máy, mà còn mở ra kỳ vọng về một nền hành chính hiệu quả, minh bạch. Tôi tin đây sẽ là nền tảng để đất nước bứt phá mạnh mẽ trong tương lai, khi quyền lợi của người dân được phục vụ tốt hơn, thủ tục hành chính được xử lý nhanh gọn, rõ ràng hơn", anh Tơ nói.
Tuy nhiên, anh Tơ cũng bày tỏ băn khoăn về việc triển khai thủ tục hành chính trong giai đoạn đầu, nhất là với các mô hình hành chính chuyển đổi số. "Ở một số địa phương có điều kiện địa lý phức tạp, việc đi lại còn khó khăn. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn gặp trở ngại khi tiếp cận công nghệ, dẫn đến hạn chế trong việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến", anh Tơ tâm sự.
Trong giai đoạn đầu chuyển đổi, anh Tơ bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, để người dân kịp thời nắm rõ thông tin về các đơn vị hành chính mới và các thủ tục liên quan.
Doanh nghiệp tìm cách thích nghi với bản đồ mới
Ủng hộ chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính, Ông Hồng Phan Hưng, Phó Giám đốc Công ty Vận tải Hồng Nam, đánh giá đây là bước đi chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy, thúc đẩy liên kết vùng và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, với đặc thù là doanh nghiệp vận tải hoạt động trải rộng nhiều tỉnh thành, ông Hưng dự đoán sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong giai đoạn chuyển tiếp.
"Trụ sở chính của chúng tôi đặt tại thành phố Trà Vinh. Sau ngày 1/7, thành phố Trà Vinh sẽ không không còn là trung tâm tỉnh, việc này dẫn đến nhiều thủ tục hành chính có thể phát sinh thêm bước. Với ngành vận tải, chỉ cần chậm trễ khâu giấy tờ hay xác định sai địa danh là ảnh hưởng ngay đến lộ trình giao nhận", ông Hưng cho biết.

Nhiều tài xế trong hệ thống vận tải của doanh nghiệp ông bày tỏ lo lắng khi bắt đầu sử dụng bản đồ hành chính mới từ ngày 1/7. (Ảnh: NVCC)
Ngay sau khi có thông tin sáp nhập, doanh nghiệp ông đã chủ động rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý, cập nhật tên địa danh mới và điều chỉnh kế hoạch vận hành. Tuy vậy, việc chuyển đổi không tránh khỏi áp lực.
"Chúng tôi có hàng chục tài xế và nhân viên điều phối phải nắm rõ tuyến đường, điểm giao nhận mới. Chỉ cần một sai sót nhỏ về địa danh là có thể khiến hàng hóa chậm trễ. Đây là thách thức rất cụ thể với ngành vận tải", ông Hưng tâm sự.
Trong thời gian sắp tới, doanh nghiệp ông kỳ vọng chính quyền tỉnh mới sẽ sớm ổn định bộ máy, duy trì đầu mối xử lý thủ tục tại địa phương cũ trong giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, ông hy vọng chính quyền tại các địa phương sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông liên vùng và đơn giản hóa thủ tục hành chính. "Nếu môi trường kinh doanh sau sáp nhập được thông suốt, doanh nghiệp sẽ yên tâm mở rộng quy mô và đầu tư lâu dài", ông Hưng bày tỏ.
Nhiều năm hoạt động kinh doanh trong ngành lương thực tại tỉnh An Giang, ông Phan Anh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trường Phát, cho biết, doanh nghiệp sẽ đón nhận thông tin sáp nhập đơn vị hành chính với tâm thế cởi mở và kỳ vọng cho một giai đoạn có nhiều bước chuyển tích cực.
"Với doanh nghiệp lương thực, vùng nguyên liệu ổn định và hạ tầng giao thông thuận tiện là điều kiện sống còn. Việc sáp nhập với tỉnh Kiên Giang, nếu đi kèm với quy hoạch lại mạng lưới sản xuất và vận chuyển nông sản, chúng tôi có thể giảm được chi phí đầu vào và nâng cao năng lực cạnh tranh", ông Vũ chia sẻ.
Ông Vũ đánh giá việc sáp nhập đơn vị hành chính nếu được triển khai đồng bộ sẽ mở ra không gian liên kết kinh tế rộng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường và tổ chức lại chuỗi cung ứng. Khi không còn rào cản hành chính giữa các địa phương, doanh nghiệp ông có thể tiếp cận vùng tiêu thụ mới một cách linh hoạt hơn, đồng thời tận dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông và logistics liên vùng. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp ông giảm chi phí vận chuyển, tối ưu kho trữ và tăng tính chủ động trong điều phối mùa vụ.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết trong ngắn hạn, doanh nghiệp cần được hỗ trợ cụ thể để thích ứng với những thay đổi hành chính và chính sách. "Chúng tôi mong chính quyền tỉnh mới sớm công bố định hướng phát triển nông nghiệp liên vùng sau sáp nhập, nhất là với các mặt hàng thiết yếu như lúa gạo. Đây là cơ sở để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thêm vào vùng nguyên liệu, hệ thống kho bãi và chế biến sâu", ông Vũ cho biết thêm.
Bình luận (0)