"Sắp xếp lại giang sơn" kiến tạo không gian phát triển mới

Ban Thời sự

01/07/2025 09:54 GMT+7

VTV.vn - Sắp xếp đơn vị hành chính không phải là sự thay đổi ngắn hạn để vài chục năm phải điều chỉnh. Mà là bước chuyển mình chiến lược trong hành trình xây dựng những động lực phát triển mới.

Từ hôm nay (1/7), đồng loạt 34 địa phương trên khắp cả nước sẽ hoạt động theo địa giới hành chính mới và vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đây không chỉ là sự kiện về mặt hành chính, mà là bước chuyển mình chiến lược trong hành trình xây dựng những động lực phát triển mới.

Đây không chỉ đơn thuần là một công cuộc "sắp xếp lại giang sơn", mà còn là thời cơ kiến tạo không gian, những động lực tăng trưởng mới cho các địa phương trên khắp Việt Nam.

Trước sáp nhập, Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 28 địa phương ven biển, tỉ lệ 44%. Sau sáp nhập, số địa phương ven biển là 21, nhưng tỷ lệ lại tăng lên 62%.

Ví dụ, TP Hồ Chí Minh mới sau khi gộp với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ càng phát huy vai trò "đầu tàu kinh tế", khi tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP chiếm 1/4 GDP cả nước.

Vùng đất giáp biển duy nhất của TP Hồ Chí Minh trước đây là Cần Giờ với chiều dài chỉ khoảng 17km. Sau khi sáp nhập, đường bờ biển dài gấp 5 lần. Việc sáp nhập còn mở đường ra biển cho Bình Dương, một địa phương có tốc độ tăng trưởng công nghiệp rất nhanh trong những năm vừa qua, nhưng lại không có cảng biển, điều này làm chi phí logistic tăng cao. Việc tạo không gian phát triển hướng biển giúp cơ cấu kinh tế của các địa phương cũng hài hòa, tích cực hơn.

Ông Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Halcom Việt Nam cho hay: "TP Hồ Chí Minh có lợi thế kết nối với nước trên thế giới, thì Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là một hạn chế. Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm mạnh về du lịch thì sẽ được nâng cao khả năng phát triển lên khi khách quốc tế hoặc các nhà đầu tư, doanh nghiệp, công nhân khu công nghiệp phát triển mạnh Bình Dương và TP Hồ Chí Minh người ta có nhu cầu ở đấy. 

Hay như Hưng Yên và Thái Bình, nếu hai tỉnh nông nghiệp tách ra thì chỉ thuần nông nghiệp. Nhưng khi kết hợp thì cơ hội phát triển kinh tế biển của Thái Bình có thể được bồi đắp bởi những nguồn lực từ Hưng Yên".

Phát huy tiềm năng của mỗi địa phương

Mở rộng không gian phát triển - Ảnh 1.

Tỉnh Bắc Ninh sáp nhập với Bắc Giang đều là những trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của phía Bắc, nơi có nhiều nhà máy quy mô lớn đang hoạt động.

Nhiều địa phương sau sáp nhập có quy mô kinh tế rất lớn. Như tỉnh Bắc Ninh sáp nhập với Bắc Giang, tổng quy mô kinh tế gần 440.000 tỉ đồng. Đây đều là những trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của phía Bắc, nơi có nhiều nhà máy quy mô lớn đang hoạt động.

Bên cạnh mở rộng không gian phát triển, chủ trương sắp xếp lại cũng giúp kết hợp hài hòa, hợp lý các tỉnh có vị trí liền kề, để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế. Những tỉnh trước đây làm riêng, đơn lẻ, không gian có thể chật chội, manh mún, khi sáp nhập sẽ mở ra cơ hội lớn hơn.

Với việc sáp nhập Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình, một không gian văn hóa, một trung tâm di sản liên vùng được thiết lập. Từ đó, nền móng cho chiến lược phát triển du lịch tổng thể được củng cố với đa dạng loại hình du lịch.

Bà Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho biết: "Hoà Bình có tiềm năng văn hoá, văn hoá dân tộc Mường rất lâu đời của người Việt cổ, tiềm năng du lịch lớn. Phú Thọ là đất tổ. Đối với Vĩnh Phúc, Tam Đảo cũng là một trong những địa điểm đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều du khách".

Cà Mau hiện là tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích nuôi tôm với 280.000ha. Trong khi đó, Bạc Liêu được xác định là trung tâm công nghiệp ngành tôm. Cả hai tỉnh đều có hệ thống nhà máy chế biến xuất khẩu hiện đại, với kim ngạch trên 2,3 tỷ USD mỗi năm.

Ông Lâm Văn Bi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: "Với sản lượng khoảng 570.000 tấn/năm. Đây là điều kiện tốt để Cà Mau tăng tốc trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu thủy sản".

Sáp nhập các địa phương là một cuộc cách mạng về kinh tế, là cơ hội để các địa phương mở rộng và tái cấu trúc mô hình đầu tư theo địa giới hành chính mới.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Giảng viên Học viện Tài chính cho hay: "Về mặt tài chính ngân sách, các địa phương có quy mô lớn hơn, họ có thể chủ động đầu tư các dự án hạ tầng, cũng như các dự án phát triển kinh tế xã hội của địa phương tốt hơn. Thứ 2, đa dạng hơn về cơ cấu ngành nghề, cả về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đa dạng hơn thì sẽ cho cơ hội tốt hơn để các địa phương có thể phát huy được".

Việc gộp các tỉnh cũng giúp quy mô dân số của mỗi nơi sẽ lớn hơn, góp phần mở rộng thị trường lao động, hình thành các trường đại học, đào tạo nghề quy mô lớn, chuyên nghiệp.

Tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp với mô hình mới

Mở rộng không gian phát triển - Ảnh 2.

Việc cắt bỏ cấp trung gian sẽ góp phần tinh giản bộ máy, giảm thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp - nhất là trong các lĩnh vực như đất đai.

Bên cạnh việc sắp xếp lại địa giới hành chính, từ hôm nay, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ chính thức được vận hành. Nghĩa là doanh nghiệp tiết kiệm được 1/3 thời gian, chi phí xử lý thủ tục hành chính.

Trong nhiều năm qua, một trong những vướng mắc doanh nghiệp thường xuyên phản ánh là sự chồng chéo trong quy trình hành chính giữa nhiều cấp chính quyền. Việc cắt bỏ cấp trung gian sẽ góp phần tinh giản bộ máy, giảm thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp - nhất là trong các lĩnh vực như đất đai, tài nguyên, giấy phép con và đăng ký kinh doanh.

"Nếu theo mô hình mới, chúng tôi giảm bớt được hoàn toàn khâu ở cấp huyện, cấp trung gian, chúng tôi đánh giá họ chỉ là bước đệm. Ý kiến của tỉnh thì huyện phải chấp nhận, huyện trình lên mà tỉnh sửa thì lại phải sửa. Gần như không giải quyết vấn đề gì mà kéo dài thời gian", ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển bất động sản EZ chia sẻ.

Với doanh nghiệp, càng ít cấp trung gian càng tốt. Việc bỏ cấp huyện, giúp cấp xã là cấp chính quyền trực tiếp xử lý các vấn đề sẽ gần dân hơn.

"Trước đây xã có nhiều hạn chế. Ví dụ như không được ban hành pháp luật chẳng hạn, hoặc việc cấp đất đai là xã không có quyền. Nhưng bây giờ xã hoàn toàn có thể. Như vậy, cấp xã gần dân nhất mà anh có nhiều quyền hơn thì sẽ giải quyết cho doanh nghiệp, người dân nhanh hơn", ông Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Halcom Việt Nam chia sẻ.

Những lợi ích đã thấy rõ, thế nhưng các doanh nghiệp cũng mong muốn có cơ chế chuyển tiếp dự án, công việc dở dang giữa các địa phương, tránh gián đoạn.

"Chúng tôi đang tham gia cùng một số đơn vị khác đấu thầu một dự án. Tuy nhiên, thời gian mở thầu sau 1/7, đơn vị gọi thầu lại là địa phương cũ. 4/7 mở thầu thì địa phương nào phục trách. Mong muốn của chúng tôi cũng như các doanh nghiệp khác có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp bắt kịp với tình hình mới", ông Phạm Đức Toản - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển bất động sản EZ chia sẻ.

Các doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục đầu tư đồng bộ cho cấp cơ sở - từ nhân lực, cơ chế phối hợp, đến công nghệ thông tin để đảm bảo mô hình chính quyền hai cấp hoạt động hiệu quả.

Thực tế kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh, bất kì một quá trình tái cấu trúc nào cũng tạo ra cơ hội mới. Ví dụ như tại Pháp đã giảm từ 22 xuống còn 13 vùng đô thị vào năm 2016. Hiệu quả mang lại là rất lớn, giúp 8/13 vùng mới vượt mức tăng trưởng GDP quốc gia.

Hay như Trung Quốc, năm 1950, Trung quốc có 51 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đến nay chỉ còn 34. Việc sáp nhập đã tạo thành những siêu đô thị quy mô lớn, mang tính dẫn dắt.

Sắp xếp đơn vị hành chính không phải là sự thay đổi ngắn hạn để vài chục năm phải điều chỉnh, mà mở rộng không gian để phát triển ổn định hàng trăm năm, như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Đến thời điểm này, đội ngũ chúng ta đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn, cả dân tộc cùng hành quân vươn tới tương lai rực rỡ của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì một Việt Nam phát triển bền vững".

Tin liên quan

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.