Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ mới được hình thành trên cơ sở hợp nhất thành phố Cần Thơ, với tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang. Sau khi sắp xếp, thành phố Cần Thơ mới có quy mô dân số là gần 4.2 triệu người. Và TP Cần Thơ mới sẽ có phường trung tâm, đông dân nhất là Phường Ninh Kiều, với dân số 1 phường lên tới 120.000 người.
Nâng cao trách nhiệm cán bộ khi sáp nhập
Những ngày này, hai từ "trách nhiệm" luôn được nhấn mạnh. Bởi áp lực công việc sẽ đặt nặng lên vai cán bộ, công chức. Khi từ "quận" chuyển thành "phường" Ninh Kiều, Trung tâm phục vụ hành chính công phải giải quyết đến 260 thủ tục các loại. Tinh thần trách nhiệm sẽ giúp nâng cao hiệu quả giải quyết công việc. Như ở quận Ninh Kiều trước đây có đến gần 300 cán bộ hoạt động ở cơ quan Đảng, chính quyền và Mặt trận. Đến nay con số này đã giảm chỉ còn khoảng 1/3 với hơn 1.000 đầu việc.
Với sự chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm sẽ mở ra nhiều cơ hội để hệ thống chính trị đổi mới theo hướng "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả". Không chỉ thành phố Cần Thơ mà cả 6 địa phương sau sáp nhập tại đồng bằng sông Cửu Long.

Sau công cuộc sắp xếp tinh gọn, sáp nhập các đơn vị hành chính lần này, đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất được mệnh danh là "vựa lúa", "vựa trái cây", "vựa thủy sản" của cả nước - sẽ càng có điều kiện và không gian phát triển mới để khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh và khẳng định vai trò, vị thế chiến lược của mình.
Với đặc điểm địa bàn rộng, dân cư phân tán, việc sắp xếp, tinh gọn và sáp nhập các đơn vị hành chính đi cùng với tăng cường phân cấp, phân quyền đã giúp giảm chi phí quản lý, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Với TP Hồ Chí Minh, nơi sẽ trở thành siêu đô thị không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực châu Á - kể từ ngày 1/7. Sau sáp nhập, TP Hồ Chí Minh mới được hình thành với toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương.
Người dân phấn khởi và kỳ vọng vào những thay đổi lịch sử
Thành phố Hồ Chí Minh mới có quy mô dân số là hơn 14 triệu người. Trong rất nhiều những thay đổi tại TP Hồ Chí Minh mới, có một điều khá đặc biệt đó là tên gọi Sài Gòn đã được đặt cho 1 phường ở trung tâm thành phố.
Phường Sài Gòn được thành lập trên cơ sở sáp nhập khu phố 1, phường Nguyễn Thái Bình; các khu phố 5, 6, 8, một phần diện tích khu phố 4, khu phố 10 của phường Đa Kao và phường Bến Nghé.
TP Hồ Chí Minh đã từng thực hiện đợt sáp nhập phường, xã, điển hình là việc thành lập TP Thủ Đức năm 2021 trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức - đây là mô hình "thành phố trong thành phố" đầu tiên ở Việt Nam. Và với lần sáp nhập hôm nay, TP Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ trở thành siêu đô thị hiện đại, thông minh, xanh, đáng sống.
Có thể thấy, từ miền núi phía Bắc đến đồng bằng sông Cửu Long, từ các đô thị đến vùng sâu đâu đâu cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân đang sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đặc biệt là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên - cũng đang chứng kiến một cuộc chuyển mình mạnh mẽ.
Không chỉ tinh gọn tổ chức bộ máy, việc vận hành chính quyền địa phương hai cấp với việc được Trung ương tăng cường phân cấp, phân quyền sẽ giúp cho chính quyền địa phương ở đây gắn bó mật thiết hơn nữa với nhân dân và phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Tại xã Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, xã biên giới có diện tích lớn nhất cả nước, với gần 75% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở tận dụng trụ sở UBND xã cũ trước đây, chính quyền địa phương đã đầu tư mới trang thiết bị, máy móc, đồng thời bố trí nhân sự có chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu. Điều này đã tạo cho người dân thêm kỳ vọng về việc sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian sắp tới.
Sẵn sàng vận hành chính quyền địa phương hai cấp
Từ ngày 1/7, tỉnh Đắk Lắk mới sẽ có 102 đơn vị hành chính cấp xã. Những ngày qua, đồng loạt các địa phương đã vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền mới với tinh thần vận hành thử nhưng làm thật, không để công việc của người dân bị gián đoạn. Kết quả cho thấy, quá trình tiếp nhận, xử lý, trả kết quả diễn ra thông suốt, đúng quy trình. Thậm chí, thời gian giải quyết được rút ngắn đáng kể.
Sự chủ động của các địa phương, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ là cơ sở để việc sắp xếp tinh gọn bộ máy đi đến thành công, qua đó phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Tại trung tâm kinh tế, du lịch, dịch vụ lớn nhất miền Trung, TP Đà Nẵng mới được hình thành với diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thành phố Đà Nẵng hiện nay và tỉnh Quảng Nam. Quảng Nam và Đà Nẵng - hai địa phương từng chia tách năm 1997 và giờ đây chính thức hợp nhất trở lại với tên gọi chung là TP Đà Nẵng.
Với quy mô mới gần 12.000 km2, dân số hơn 3 triệu người, 94 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, có 2 di sản văn hóa; 2 sân bay quốc tế và 3 cảng biển quốc tế, thành phố Đà Nẵng (mới) được định hướng trở thành một cực tăng trưởng của Việt Nam, là "trung tâm đổi mới, sáng tạo, công nghệ cao và khởi nghiệp quốc gia", tiên phong trong các lĩnh vực mới như Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế biển…
Tính đến ngày 27/6 vừa qua, các xã phường tại Quảng Nam và Đà Nẵng đã hoàn tất việc vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền 2 cấp, sẵn sàng cho thời điểm chính thức vào ngày 1/7 tới. Người dân đang rất kỳ vọng bộ máy mới sẽ hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển và đời sống dân sinh.
Còn tại khu vực miền núi phía Bắc, toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai được hợp nhất để hình thành tỉnh Lào Cai mới. Sau khi sắp xếp, tỉnh Lào Cai có diện tích tự nhiên là hơn 13.000 km2, quy mô dân số là gần 1,8 triệu người.
Tỉnh Lào Cai mới sẽ trở thành một trong những địa phương lớn nhất khu vực về diện tích và dân số, có điều kiện thuận lợi để quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, đồng bộ và bền vững.
Ở Lào Cai có một phong trào lan tỏa mạnh mẽ là phát huy vai trò người đứng đầu được Đảng tín, đồng bào tin. Việc quan trọng hàng đầu là lựa chọn và bố trí nhân sự đúng người đúng việc , đặc biệt là những người đứng đầu, nhất là với cấp xã, cấp gần dân nhất. Để mô hình mới này có thể vận hành hiệu quả và thực sự chiếm trọn niềm tin của nhân.
Toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên sẽ được hợp nhất trở thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Hưng Yên. Việc này mở ra cơ hội phát triển vượt bậc, giúp Hưng Yên khẳng định vai trò là vùng động lực kinh tế quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng.
Tỉnh Hưng Yên mới được kỳ vọng khẳng định vai trò vùng vệ tinh chiến lược của Hà Nội, góp phần quan trọng trong điều tiết dân cư, giảm tải cho Thủ đô và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Hưng Yên và Thái Bình vốn đã có nền nông nghiệp phát triển. Trong những năm qua, cả 2 tỉnh đều đã có những bước chuyển dịch mạnh mẽ sang phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hình thành, thu hút hàng trăm dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Bình luận (0)