Rwanda và CHDC Congo ký thỏa thuận hòa bình dưới sự bảo trợ của Mỹ

Mạnh Dương (T/h)

29/06/2025 06:30 GMT+7

Hai quốc gia châu Phi tiến tới chấm dứt xung đột kéo dài hàng thập kỷ, đồng thời mở đường cho các thỏa thuận kinh tế với Mỹ và các nhà đầu tư phương Tây.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cùng hai ngoại trưởng Rwanda và CHDC Congo bắt tay sau lễ ký thỏa thuận hòa bình tại Washington ngày 27/6/2025. (Ảnh: AP)

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cùng hai ngoại trưởng Rwanda và CHDC Congo bắt tay sau lễ ký thỏa thuận hòa bình tại Washington ngày 27/6/2025. (Ảnh: AP)

Rwanda và Cộng hòa Dân chủ Congo (CHDC Congo) ngày 27/6 đã ký kết một thỏa thuận hòa bình mang tính bước ngoặt tại Washington, với vai trò trung gian của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Văn kiện được kỳ vọng sẽ giúp chấm dứt các cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ ở miền Đông Congo và thúc đẩy đầu tư vào khu vực giàu tài nguyên khoáng sản chiến lược.

Buổi lễ ký diễn ra tại Bộ Ngoại giao Mỹ, dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Marco Rubio. Hai ngoại trưởng Therese Kayikwamba Wagner (CHDC Congo) và Olivier Nduhungirehe (Rwanda) cam kết thực hiện các điều khoản bao gồm: chấm dứt thù địch, rút quân trong vòng 90 ngày, giải giáp và tái hòa nhập các nhóm vũ trang phi nhà nước, thành lập cơ chế an ninh phối hợp trong vòng 30 ngày.

Phát biểu tại Nhà Trắng sau lễ ký, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Ngày hôm nay, bạo lực kết thúc và một chương mới mở ra với hy vọng, hòa bình và thịnh vượng”. Ông cũng cảnh báo về “các hình phạt rất nghiêm khắc, về tài chính và những lĩnh vực khác” nếu các bên vi phạm thỏa thuận.

Rwanda và CHDC Congo ký thỏa thuận hòa bình dưới sự bảo trợ của Mỹ- Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trao văn kiện đã ký cho Ngoại trưởng CHDC Congo tại Nhà Trắng ngày 27/6/2025, với sự chứng kiến của các quan chức hai nước. (Ảnh: AP)

Bên cạnh mục tiêu hòa bình, thỏa thuận cũng mở đường cho các thỏa thuận kinh tế, bao gồm việc thiết lập chuỗi cung ứng khoáng sản chiến lược như cobalt, lithium, tantalum - những nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghệ toàn cầu. Washington được cho là sẽ có quyền tiếp cận lớn hơn với nguồn khoáng sản tại Congo, trong bối cảnh Mỹ cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại châu Phi.

Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo rằng thỏa thuận sẽ khó giải quyết ngay các nguyên nhân gốc rễ của xung đột. Nhóm vũ trang M23, được cho là do Rwanda hậu thuẫn, không trực tiếp tham gia đàm phán và tuyên bố thỏa thuận không có giá trị ràng buộc với họ. Các cuộc đàm phán riêng rẽ giữa M23 và chính phủ Congo đang diễn ra tại Qatar với sự ủng hộ của Mỹ.

Nhiều người dân Congo bày tỏ hy vọng vào thỏa thuận, song cũng yêu cầu công lý cho hàng triệu nạn nhân trong các cuộc xung đột kéo dài từ thập niên 1990 đến nay. Hơn 6 triệu người đã thiệt mạng vì chiến sự, đói nghèo và dịch bệnh, trong khi khoảng 7 triệu người đang phải sống trong cảnh tản cư.

Chuyên gia Tresor Kibangula từ Viện nghiên cứu Ebuteli tại Congo nhận định: “Thông điệp chiến lược "đảm bảo an ninh phía Đông" cũng có nghĩa là đảm bảo đầu tư. Nhưng liệu logic kinh tế này có đủ sức kết thúc chiến sự hay không, vẫn còn là câu hỏi lớn”.

Tin liên quan

Rwanda đàm phán với Mỹ về việc tiếp nhận người di cư bị trục xuất

Rwanda đàm phán với Mỹ về việc tiếp nhận người di cư bị trục xuất

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Rwanda xác nhận rằng nước này đã tham gia các cuộc thảo luận với Mỹ để tiếp nhận những người nhập cư bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.