
Thót tim vì rắn bò vào nhà mùa mưa
Sống trong căn trọ nhỏ gần khu vực làng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Phạm Thị Thu Thảo (20 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng sau sự việc bất ngờ xảy ra cách đây vài ngày. Khi đang ở trong phòng, Thảo phát hiện một con rắn thân xanh lục, dài khoảng 1m bò ra từ góc trần nhà.
Lần đầu chạm mặt rắn ở khoảng cách gần khiến cô hoảng loạn. Thảo lập tức chạy đi nhờ người giúp đỡ. "Lúc đó mình rất bối rối do lần đầu mình gặp trường hợp có rắn bò vào nơi ở như thế này", Thảo chia sẻ.

Thảo hoảng hốt khi thấy rắn bò vào nhà. (Ảnh: NVCC)
Ít phút sau, một người cùng khu trọ đã giúp Thảo đưa con rắn ra khỏi phòng. Sau khi tìm hiểu, Thảo xác định loài rắn bò vào phòng là rắn cườm. Đây là một loài thuộc họ rắn nước, có kích thước nhỏ và không có nọc độc. Loài này có khả năng leo trèo rất tốt, thậm chí có thể bám lên cả vách tường thẳng đứng. Do đó, chúng thường xuất hiện trên mái nhà hoặc bò vào nhà dân thông qua các khe hở nhỏ, kể cả đường ống thoát nước của máy điều hòa.
"Mặc dù sau khi biết là rắn không độc thì mình cũng nhẹ nhõm phần nào. Thế nhưng, mình cũng lo lắng vì lỡ như sau này có rắn độc bò vào và cắn thì mình không biết phải làm sao", Thảo cho hay.
Tương tự, bạn Trần Đình Quân (23 tuổi) cũng chia sẻ vừa có một cuộc "chạm trán" với một loài rắn màu xanh lục ngay tại căn trọ thuê tại quận Bình Thạnh.
"Tối hôm đó, mình nghe tiếng lộp cộp phát ra từ máy lạnh. Một lúc sau thì thấy thân một con rắn màu xanh trườn ra từ khe máy. Hình ảnh đó thật sự khiến mình ám ảnh", Quân chia sẻ.
Quân cũng ngay lập tức gọi người giúp đỡ và nhanh chóng di chuyển con rắn. Qua tìm hiểu, Quân cho biết có thể rắn đã chui vào máy lạnh từ đường ống thoát nước.
"Mình ở trọ một mình nên khi gặp tình huống như rắn bò vào nhà thật sự rất hoang mang, không biết phải xử lý ra sao", Quân tâm sự.
Rắn xuất hiện trong nhà dân, chuyên gia lên tiếng
Không chỉ Thảo và Quân, thời gian gần đây mạng xã hội xuất hiện dày đặc hình ảnh rắn bò vào nhà dân. Một tài khoản tên Quỳnh Như chia sẻ tình huống rắn rơi từ máy lạnh, bài viết nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt tương tác và bình luận.


Theo chia sẻ trên trang cá nhân, Quỳnh Như cho biết đây là lần đầu tiên cô gặp trường hợp rắn xuất hiện trong nhà. (Ảnh: FBNV)
Gần đây, vụ việc bé gái 7 tuổi ở Ninh Bình bị rắn cạp nia bò ra từ điều hòa cắn suýt nguy kịch khiến nhiều người hoang mang.
Theo gia đình, khoảng 3 giờ sáng, khi bé N. đang ngủ một mình trên tầng 2, con rắn bất ngờ trườn ra từ điều hòa và bò lên người bé. Đến 7 giờ sáng, khi phát hiện bé có biểu hiện bất thường như nói khó, mí mắt sụp, há miệng khó và nôn khan, gia đình lập tức đưa đi cấp cứu.
Nhờ hình ảnh con rắn được cung cấp, bác sĩ xác định đây là rắn cạp nia. Đây là một loài rắn có nọc thần kinh mạnh, thuộc họ rắn hổ mang. Bé được xử lý kịp thời và đã qua cơn nguy kịch, hiện dần hồi phục và được cai máy thở.
Lý giải hiện tượng rắn thường xuyên xuất hiện trong nhà dân thời điểm này, ông Nguyễn Minh Phú, đồng sáng lập tổ chức Viet Snake Rescuer, cho biết mùa mưa là thời điểm rắn hoạt động mạnh. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh thời tiết chỉ là yếu tố phụ. Nguyên nhân chính xuất phát từ tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, khiến nhiều loài rắn mất nơi sinh sống tự nhiên và buộc phải di chuyển vào khu vực dân cư.

Ông Phú chia sẻ về kinh nghiệm nhận dạng với một số loài rắn trong một hội thảo. (Ảnh: NVCC)
"Loài rắn thường sinh sống ở những nơi có nhiều cây cối, thảm thực vật. Khi môi trường tự nhiên bị thu hẹp, buộc chúng phải tìm đến những khu vực ẩm thấp, có thức ăn như thằn lằn, chuột để sinh tồn. Thật không may, nhiều khu vực nhà dân lại vô tình đáp ứng đủ những điều kiện đó", ông Phú cho hay.
Ông Phú cũng khuyến nghị khi gặp rắn thì nên giữ bình tĩnh và giữ khoảng cách an toàn vì rắn không phải là một loài động vật chủ động tấn công con người. "Rắn thường tấn công khi cảm thấy bị đe doạ", ông Phú cho biết thêm.
Khi gặp phải tình hướng rắn bò vào nhà, ông Phú khuyến cáo người dân nên gọi người tới giúp đỡ hoặc điện ngay cho chuyên gia hoặc các nhóm giải cứu rắn để cùng phối hợp xử lý. Trong trường hợp không có người hỗ trợ, người dân có thể sử dụng hoặc tự chế một cây kẹp dài khoảng 1 mét để gắp rắn và đưa vào thùng đựng an toàn. Sau đó, người dân nên liên hệ với chuyên gia hoặc đơn vị cứu hộ rắn để xử lý, tránh những rủi ro không lường trước có thể xảy ra.
Ông Phú cũng khuyến nghị người dân nên thường xuyên kiểm tra, vệ sinh các khu vực như hóc tường, kẹt tủ, chậu cây vì đây là nơi rắn thường ẩn náu. Đồng thời, cần có biện pháp hạn chế thằn lằn và chuột trong nhà, bởi đây là nguồn thức ăn tự nhiên thu hút rắn tìm đến.
"Nếu không may bị rắn cắn, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Tuyệt đối không nên rạch, nặn vết thương, tự ý hút độc hay đắp các bài thuốc theo hướng dẫn trên mạng", ông Phú nhấn mạnh.
Bình luận (0)