Ấn định lộ trình xây dựng Cộng đồng vào năm 2015, hướng tới đưa ASEAN trở thành một thị trường duy nhất và một không gian sản xuất thống nhất, đẩy mạnh liên kết và kết nối ở khu vực, trước hết là trong ASEAN rồi mở rộng ra khu vực Đông Á là những kết quả nổi bật ở các hội nghị tại Phnom Penh lần này.
Các đối tác của ASEAN cũng đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác cụ thể như: Đối tác Hợp tác Biển và Diễn đàn Hợp tác du lịch ASEAN - Trung Quốc; Nhật Bản đề xuất các sáng kiến mới về hợp tác giao thông-vận tải, sử dụng năng lượng xanh, hợp tác lao động; Hàn Quốc cam kết hỗ trợ 10 triệu đô la cho ASEAN thực hiện Sáng kiến liên kết giai đoạn 2013 - 2017; Ấn Độ đề xuất nâng quan hệ ASEAN - Ấn Độ lên đối tác chiến lược; Hoa Kỳ đề xuất sáng kiến Gắn kết Kinh tế Mở rộng ASEAN - Hoa Kỳ, “Đối tác toàn diện về tương lai năng lượng bền vững” và các sáng kiến về hợp tác phát triển Tiểu vùng Mê Kông.
Ông Surin Pitsuwan - Tổng thư ký ASEAN phát biểu: “ASEAN sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước Đông Á. Tất cả họ đều đến đây với nhiều dự án hơn, với nhiều chương trình hợp tác hơn. Mỗi đối tác đều nghĩ rằng, một ASEAN thịnh vượng hơn, một Đông Á ổn định hơn là mối quan tâm chính của họ. Tôi muốn khẳng định rằng, các vấn đề chính trong cấp cao Đông Á là tăng cường hợp tác, mở cửa hơn nữa thị trường và làm sâu sắc hơn nữa hội nhập kinh tế. Chúng tôi đang thành lập một mặt trận chung để đối phó với các thách thức chúng”.
Sức hấp dẫn của một khu vực đang phát triển năng động là lý do chính để các đối tác của ASEAN ngày càng muốn tham gia sâu rộng hơn vào quá trình liên kết xung quanh khối. Điều này là thuận lợi, nhưng cũng đặt ra vấn đề cần tăng cường thống nhất trong ASEAN. Đây cũng là một điểm chính được đặt ra trong hội nghị lần này.
Một chủ đề có thể nói thu hút sự quan tâm lớn của báo giới trong hội nghị lần này là vấn đề Biển Đông. Không chỉ ASEAN mà các đối tác của ASEAN đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông vì đây là lợi ích và quan tâm chung của khu vực.
Ông Phạm Bình Minh - Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam nói: “Vấn đề biển Đông được nêu trong mọi cấu trúc của ASEAN vì nó liên quan tới nhiều khía cạnh. Nhìn rõ trong năm 2012 với những diễn biến như thế, chúng ta có tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển đông. Mới đây nhất các nước ASEAN và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm xây dựng tuyên bố về quy tắc ứng xử của biển Đông. Năm 2002, tuyên bố DOC là tuyên bố của các Bộ trưởng ngoại giao, giờ đây là tuyên bố của các nhà lãnh đạo, điều đó cho thấy điểm lớn nhất là nhu cầu trong khu vực là làm sao duy trì hòa bình ổn định. Và các diễn đàn đều có trao đổi xung quanh vấn đề này, đi tới thông nhất là cần gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.
Hội nghị lần này cũng ghi nhận sáng kiến của nước chủ nhà Campuchia về thành lập cơ chế Đối thoại toàn cầu ASEAN gồm có ASEAN và 8 đối tác cùng với các thể chế kinh tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á.
Kết thúc hội nghị, nước chủ nhà Campuchia đã bàn giao chức chủ tịch nhiệm kỳ cho Brunei, quốc gia sẽ chính thức giữ vai trò điều phối và làm chủ tịch ASEAN từ 1.1. 2012.
Như vậy, Hội nghị cấp cao ASEAN 21 kết thúc, cũng có thể coi như kết thúc một năm có nhiều điểm đáng nói trong hợp tác nội khối của ASEAN và các liên kết giữa ASEAN với bên ngoài. Những khó khăn của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều thách thức an ninh trong khu vực đang nổi lên đã khiến việc gìn giữ một môi trường hòa bình đã được đặt lên hàng đầu. ASEAN đang hướng tới việc làm dịu đi các khác biệt để định hướng xử lý các vấn đề chính trị an ninh chung, bởi hòa bình và ổn định là tiền đề cho phát triển.
Tin bài liên quan:
Bình luận (0)