
Người dân bơi trong đầm phá ở Funafuti, Tuvalu ngày 28/11/2019. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)
Australia vừa triển khai chương trình visa mang tên “Falepili Mobility Pathway”, cho phép 280 công dân Tuvalu mỗi năm được cấp quyền cư trú vĩnh viễn, làm việc và sử dụng dịch vụ y tế, giáo dục tại Australia. Theo CNN, trong đợt mở đơn kéo dài khoảng một tháng từ ngày 16/6, đã có hơn 4.000 người nộp hồ sơ - tương đương hơn một phần ba dân số Tuvalu.
Tuvalu là quốc đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương với khoảng 10.000 dân, không nơi nào cao quá 6 mét so với mực nước biển. Theo Thủ tướng Feleti Teo, một nửa diện tích Tuvalu có thể bị ngập thường xuyên do thủy triều vào năm 2050, và con số này sẽ lên tới 90% vào năm 2100.
“Tại Tuvalu, không có lựa chọn di dời nội địa. Chúng tôi hoàn toàn bằng phẳng, không có đất cao để chuyển đến”, ông Teo phát biểu tại Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc ở Nice (Pháp) hôm 12/6.

Ảnh chụp từ trên cao các ngôi nhà ven Thái Bình Dương ở Funafuti, Tuvalu ngày 28/11/2019. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)
Chương trình visa là một phần của hiệp ước năm 2023 giữa Tuvalu và Australia, trong đó Canberra cam kết hỗ trợ quốc đảo này về quân sự lẫn ứng phó với mực nước biển dâng. Australia cũng tuyên bố duy trì chủ quyền của Tuvalu kể cả khi lãnh thổ vật lý không còn tồn tại.
Trước đó, tại COP27 năm 2022, Tuvalu từng tuyên bố sẽ trở thành quốc gia đầu tiên chuyển toàn bộ hoạt động lên không gian số, nhằm gìn giữ bản sắc dân tộc trong bối cảnh bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Chính phủ Tuvalu đã phát triển kế hoạch số hóa toàn bộ lãnh thổ, văn hóa và hệ thống hành chính.
Động thái của Australia được đánh giá là khác biệt so với chính sách siết nhập cư và hạn chế khí hậu của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tuvalu nằm trong danh sách 36 quốc gia có thể bị Mỹ đưa vào diện hạn chế nhập cảnh do chưa đáp ứng đủ tiêu chí kiểm soát di trú, theo AP.
Bình luận (0)