Trong tiến trình sắp xếp lại các đơn vị hành chính, một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là phương án sử dụng hiệu quả khối lượng lớn trụ sở, công sở dôi dư sau sáp nhập. Việc tìm công năng mới cho những cơ sở này được xem là giải pháp quan trọng để hạn chế tối đa sự lãng phí tài sản công. Tại Quảng Nam, chính quyền địa phương đã sớm có động thái chủ động trong việc rà soát, xây dựng phương án xử lý.
Theo đề án sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, trung tâm hành chính sau sáp nhập sẽ đặt tại TP Đà Nẵng. Do đó, Quảng Nam là địa phương có số lượng công sở và tài sản công dôi dư nhiều hơn. Hiện toàn tỉnh có tổng cộng 535 cơ sở trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp cấp tỉnh, trong đó 486 cơ sở tiếp tục được bố trí cho các cơ quan, đơn vị sử dụng theo quy định.

UBND tỉnh đã ban hành phương án sắp xếp, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và tài sản công khác khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn. Ở cấp huyện, toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 734 cơ sở trụ sở hoạt động sự nghiệp. Sau khi sắp xếp, 347 cơ sở tiếp tục được bố trí cho các đơn vị thuộc xã mới sử dụng, đồng nghĩa với việc hiện còn 387 trụ sở cấp xã, phường, thị trấn đang dôi dư.

Sau công cuộc sáp nhập các đơn vị hành chính để tiến tới mô hình chính quyền hai cấp, hầu hết các địa phương trên cả nước đều phát sinh lượng lớn công sở, tài sản công dôi dư. Việc bán, thanh lý hoặc cho thuê những tài sản này đang là phương án được tính đến tại Quảng Nam và nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ xử lý, tránh để tài sản công bị lãng phí, các địa phương rất cần sự hướng dẫn kịp thời từ Trung ương và các bộ, ngành liên quan.
Bình luận (0)