Quán nước, tiệm tạp hóa đóng bảo hiểm xã hội: Mừng hay lo?

Mai Phương, Tiến Công

28/06/2025 16:04 GMT+7

Từ 1/7, nhiều chủ quán nhỏ, tiệm tạp hóa nếu có đăng ký kinh doanh sẽ phải đóng BHXH bắt buộc – chính sách mới gây nhiều băn khoăn trong khu vực lao động phi chính thức.

Không chỉ công nhân, nhân viên văn phòng hay lao động hợp đồng, sắp tới, chủ quán nước vỉa hè, tiệm tạp hóa nhỏ… nếu có đăng ký kinh doanh cũng sẽ thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.

Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật BHXH sửa đổi, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Mục tiêu là mở rộng hệ thống an sinh xã hội đến cả khu vực lao động phi chính thức – vốn chiếm gần 60% tổng số lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn một khoảng cách lớn. Với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, mưu sinh qua ngày, câu hỏi không chỉ là “mừng” hay “lo”, mà còn nhiều băn khoăn cần được giải đáp.

Năm nay đã 58 tuổi, điều bà Nguyễn Thị Minh – chủ quán bún bò tại TP Hồ Chí Minh – lo lắng nhất là liệu bà có đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng chế độ hay không. Việc kinh doanh đang khó khăn, buôn bán chậm khiến khoản tiền đóng BHXH càng trở thành một gánh nặng.

Quán nước, tiệm tạp hóa đóng bảo hiểm xã hội: Mừng hay lo? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Minh, chủ quán Bún bò Minh, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Cứ một tháng mấy trăm mấy trăm nhưng dồn lại là tiền triệu rồi. Mà tiền triệu giữa thời điểm này nó rất là lớn. Buôn bán giờ này mà không có khách. Nói thiệt là bụng đánh lô tô". 

Cùng tâm trạng đó, chị Minh Ngọc – chủ quán cà phê gia đình ở TP Hồ Chí Minh – cũng bỡ ngỡ khi nghe thông tin về quy định mới.

“Nếu mà bảo hiểm xã hội để sau này mà mình được hưởng thì ai cũng ủng hộ thôi" – chị Minh Ngọc, quán cà phê Khâm, TP Hồ Chí Minh. 

Ở một góc nhìn khác, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng cho rằng việc mở rộng diện đóng BHXH đến cả nhân viên bán thời gian tuy làm tăng áp lực tài chính, nhưng là yêu cầu tất yếu để nâng cao phúc lợi và an toàn lao động.

Ông Nguyễn Thái Bình, đồng sáng lập Học viện Concepts – VCS cho biết: “Ngành nhà hàng tiềm ẩn rủi ro về tai nạn lao động, vì vậy BHXH là một trong những thứ rất cần thiết. Công ty luôn duy trì ở mức 60–70% tất cả nhân viên là chính thức. Còn lại 30% làm bán thời gian, nhưng làm bán thời gian giờ cũng sẽ ký hợp đồng đàng hoàng và đóng luôn trách nhiệm bảo hiểm". 

Có người ví von rằng, việc thực thi quy định mới như một điểm giao giữa chính sách an sinh xã hội và thực tế sinh kế của hàng triệu lao động phi chính thức. Vì vậy, cần có lộ trình phù hợp để giảm áp lực tham gia ngay đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, đồng thời giúp ngành BHXH có thời gian chuẩn bị.

Theo đề xuất từ cơ quan quản lý, việc tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh sẽ được triển khai theo lộ trình: trước mắt áp dụng với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai, đến năm 2027 áp dụng với hộ nộp thuế khoán, và đến năm 2029 sẽ mở rộng cho các trường hợp còn lại.

Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả, cần sự đồng hành từ nhiều phía. Chỉ khi có sự đồng thuận và chuẩn bị kỹ lưỡng, chính sách mới có thể trở thành động lực an sinh dài hạn – thay vì là gánh nặng ngắn hạn với người lao động phi chính thức.

Tin liên quan

Mức hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Mức hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Chính phủ ban hành Nghị định số 159/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.