Thiết chế văn hóa cho công nhân còn thiếu và yếu

Đức Hạnh, Tuấn Anh

01/05/2023 18:45 GMT+7

VTV.vn - Thiếu thiết chế văn hóa khiến cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất không có điều kiện để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần.

60% công nhân ở các khu công nghiệp không xem ti vi, nghe đài; 85% không đọc sách, báo; 80% không tập thể dục, thể thao thường xuyên; 65% không tham gia vào các hoạt động văn nghệ quần chúng. Đời sống văn hóa, tinh thần của một bộ phận công nhân Việt Nam còn nghèo nàn. Một trong nhưng lý do là thiếu thiết chế văn hóa cơ bản, công nhân dù muốn không có nơi để sinh hoạt văn hóa, thể thao.

Suốt 6 năm qua, sân chơi duy nhất của hàng chục công nhân ở xóm trọ phường Tam Hòa, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh sau khi tan ca là phần sân được tận dụng từ chính lối đi nội bộ, lưới và bóng mỗi người góp một tay. Đơn sơ là vậy, thế nhưng sân bóng lúc nào cũng đông người đến chơi, bất chấp cả thời tiết.

Một sân bóng là không đủ khi nhu cầu vui chơi, tập luyện của công nhân lại rất lớn. Phòng trọ 9m2 trở thành nơi ăn, ngủ, rèn luyện sức khỏe và cả giải trí của anh Trần Tuấn Kiệt, công nhân Cảng Cát Lái. Dụng cụ tập luyện thì trong tưởng tượng, còn các động tác, chủ yếu dựa vào trí nhớ các bài tập anh đã xem trên Youtube. Từ nhà trọ của anh Kiệt đến trung tâm thể thao gần nhất mất nửa tiếng đi xe và phải mất phí.

Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh, chỉ có 9/17 khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP có trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể thao cho công nhân, chiếm chưa đến 60%. Trong số này, chỉ có 1 trung tâm sinh hoạt thể thao tại Khu chế xuất Tân Thuận thường xuyên hoạt động. 

Thiếu thiết chế văn hóa khiến cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất không có điều kiện để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần. Hệ lụy là 28% công nhân có xu hướng và lối sống buông thả, thực dụng; 22% sống ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân...

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ: Mục tiêu đến năm 2020, 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động. 

Trong đó, tối thiểu 30% khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoạt động xây dựng được trung tâm văn hóa - thể thao phục vụ công nhân, người lao động. Thế nhưng từ mục tiêu đến thực hiện còn khoảng cách khá xa. Ngay tại TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp muốn nhưng không thể làm được do gặp rất nhiều khó khăn.

Khó khăn khi xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân

Thừa nhận việc thiếu thiết chế văn hóa là một trong nhiều nguyên nhân đẩy công nhân đến với tệ nạn xã hội, tuy nhiên theo đại diện Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, không phải do doanh nghiệp thiếu quan tâm. Thực tế, nhiều năm qua, không ít doanh nghiệp đề xuất xây dựng các trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể thao, thậm chí siêu thị cho công nhân trong khu chế xuất, khu công nghiệp nhưng không thể thực hiện.

Xây mới đã khó, duy trì hoạt động tại các thiết chế văn hoá đang tồn tại tại các khu chế xuất, khu công nghiệp lại càng khó hơn khi nhân sự vừa thiếu lại vừa yếu. Đây cũng là thực trạng chung tại các thiết chế văn hoá cơ sở ở TP Hồ Chí Minh.

Hiện, ngân sách TP đầu tư lĩnh vực văn hóa thể thao chỉ chiếm 17% tổng ngân sách. Trong khi đó, một nửa đã dành cho việc tu bổ công trình di tích, lịch sử. Ngân sách đầu tư ít, không có quỹ đất để xây dựng, đời sống tinh thần của công nhân đành trông chờ vào nhà văn hóa lao động đặt tại quận, huyện. Thế nhưng, 17 nhà văn hóa lao động hiện tại của TP không thể đáp ứng đủ 320.000 công nhân đang làm việc tại đây, chưa nói đến cách thức tổ chức hoạt động của các cơ sở này.

Mang cái công nhân cần thay vì cho cái mình có, đó mới cách chăm lo thiết thực, giúp cho mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp thêm bền vững, tạo ra nguồn lực có chất lượng cho xã hội.

TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều công trình, dự án văn hóa thể thao phục vụ cho người dân bao gồm cả công nhân, người lao động. Ách tắc lớn nhất là thiếu nguồn ngân sách. Với những cơ chế mới đặt ra trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, đây là cơ hội để TP từng bước giải quyết được vấn đề này bởi càng nhiều công trình văn hóa thể thao được hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ, người dân càng có lợi, chất lượng sống ngày càng được nâng lên.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.