Hàng loạt ki-ốt đóng cửa im lìm, không khí mua bán vốn sôi động giờ trở nên đìu hiu, vắng bóng khách. Ghi nhận của PV Thời báo VTV vào một ngày tháng 6 cho thấy, khu vực bên trong chợ chỉ còn lác đác vài gian hàng hoạt động. Tầng 1, vốn là nơi kinh doanh nhộn nhịp các mặt hàng phụ kiện, giày dép, nay thưa vắng người qua lại.
Tương tự, tầng 2 chuyên bán quần áo cũng rơi vào cảnh ảm đạm với hàng loạt gian hàng "cửa đóng then cài". Nhiều tiểu thương thậm chí chỉ hé cửa một nửa, không bày biện hàng hóa, và nhanh chóng kéo cửa quầy ki-ốt xuống khi phát hiện ống kính máy ảnh.
Lý giải cho tình trạng này, một số tiểu thương tại Chợ Thái cho biết, kinh doanh đang trở nên trầm lắng, đặc biệt là thời điểm hiện nay khi các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra giấy tờ, hóa đơn và nguồn gốc hàng hóa.
Chị Thu (tên nhân vật đã được thay đổi), một tiểu thương có hơn 10 năm kinh nghiệm tại chợ, đã phải tạm nghỉ bán ba ngày. Chị không phản đối việc siết chặt quản lý, nhưng thừa nhận nhiều tiểu thương vẫn còn bỡ ngỡ và chưa nắm rõ các quy định mới.
"Tôi buôn bán ở đây đã hơn 10 năm rồi, ở đây toàn lấy hàng từ các mối quen, có nơi còn ký sổ tay chứ không có hóa đơn. Trước giờ cũng không ai hỏi giấy tờ, giờ bắt kê khai, xuất trình hóa đơn thì tôi không biết phải làm thế nào," chị Thu bộc bạch.
Anh Xuân (tên nhân vật được thay đổi), một chủ sạp hàng lâu năm, cũng chia sẻ những lo lắng tương tự. Anh nhận định việc nhiều người bán quyết định đóng cửa hàng là do họ lo ngại nguy cơ bị xử phạt vì không nắm rõ quy trình giấy tờ.
"Chúng tôi đều buôn theo cách truyền thống, không quen công nghệ và rất lúng túng trong việc kê khai. Mấy hôm nay, cứ nghe có đoàn kiểm tra là đóng cửa, ngồi chờ xem tình hình. Mở ra thì thấp thỏm, mà nghỉ thì không có thu nhập," anh Xuân nói.
Anh Xuân cùng các tiểu thương mong muốn quá trình thực hiện kiểm tra có hướng dẫn cụ thể hơn nữa để tránh gây áp lực tâm lý và công việc không bị xáo trộn, ảnh hưởng.
Ông Trần Khánh Phương, Đội trưởng đội số 2, Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên, cho biết ông đã nắm bắt được thông tin về việc nhiều ki-ốt đóng cửa và không khí mua bán đìu hiu. Ông Phương cũng đã kiến nghị có những chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho các tiểu thương an tâm kinh doanh buôn bán trên địa bàn.
Trước đó, tại hội nghị về chống buôn lậu và hàng giả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thị Loan đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương mở đợt cao điểm kiểm tra đến ngày 15/6.
Hoạt động kiểm tra không chỉ tập trung vào buôn bán truyền thống mà còn chú trọng kiểm soát với các sàn thương mại điện tử. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm và công khai nhằm tạo sức răn đe, bảo đảm nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Tình hình tại Chợ Thái Nguyên hiện tại cho thấy những thách thức trong việc chuyển đổi từ hình thức kinh doanh truyền thống sang môi trường kinh doanh minh bạch, có đầy đủ giấy tờ theo quy định pháp luật. Việc cân bằng giữa quản lý chặt chẽ và hỗ trợ tiểu thương thích nghi là bài toán cần lời giải cho các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.