Hỗn chiến trong trận chung kết bóng đá SEA Games 32
Vụ ẩu đả giữa U22 Indonesia và U22 Thái Lan ở chung kết SEA Games 32 đã khiến hai đội bóng Đông Nam Á đối mặt nguy cơ nhận án phạt từ AFC.
Thể thao không chỉ hấp dẫn bởi tính cạnh tranh. Đó còn là nơi con người sẵn sàng giải phóng cảm xúc của mình một cách tự nhiên nhất. Thắng thì cười, thua thì khóc hoặc thắng cũng khóc, thua thì bực tức tìm chỗ trút giận. Dĩ nhiên, tệ nhất là theo cách như trong trận chung kết vừa rồi. Màn ẩu đả mà theo lời trách móc của ông Chủ tịch FIFA thì "Các trợ lý, quan chức lãnh đạo đội bóng thay vì có nhiệm vụ can ngăn, lại là người châm ngòi".

May mắn là lãnh đạo của 2 đội bóng đã kịp nhận ra tính nghiêm trọng của vụ việc, sau khi những cái đầu nguội lại. Một cuộc hòa giải được diễn ra ở khu tập trung của U22 Indonesia. Không còn hùng hổ như trên sân, hai bên không ngớt xin lỗi nhau và trao những cái ôm thân tình như chưa từng có cuộc giao tranh. Nụ cười thân thiện và cả những giọt nước mắt nữa nhưng từng đó là chưa đủ để xóa đi các án phạt đang chờ cả hai.
Thế mới thấy, khiêu khích trước mặt đối thủ không bao giờ là hành động khôn ngoan. Nhất là khi họ đang thất thế bởi trong mắt người bị khiêu khích đó có thể trở thành một hành động cà khịa.
Cà khịa sau va chạm giao thông
Vào tối ngày 17/5 vừa rồi tại đường Hạ Long, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, một vụ va chạm giao thông giữa 2 ô tô đã khiến 2 tài xế xảy ra xích mích. Lời qua tiếng lại, người đàn ông mặc quần đen áo trắng có biểu hiện không tỉnh táo, đã chủ động "tác động vật lý" vào đối phương. Rồi còn thách thức khi lớn tiếng khoe chức danh của mình.

Thông qua đoạn video clip nói trên, Công an TP Hạ Long cũng đã điều tra xác minh người đàn ông mặc quần đen, áo trắng, có hành vi thiếu chuẩn mực trong clip đúng là Trưởng Công an phường Bãi Cháy. Giám đốc Công an tỉnh đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với trường hợp này để thực hiện quy trình xem xét, xử lý kỷ luật về hành vi vi phạm.
Từ xích mích trên mạng đến trận quyết chiến ngoài đời thực
Theo giải thích trong từ điển Tiếng Việt, "Cà khịa" nghĩa là hành vi "Cố ý gây sự để cãi vã, đánh nhau". Từ "Cà khịa" ở thời đại mạng xã hội này còn có nghĩa rộng hơn trong từ điển, khiến nó trở nên thông dụng. Khi để trong ngoặc kép, "cà khịa" lúc này sẽ giảm nhẹ tính tiêu cực, được hiểu như một cách trêu đùa người khác với mục đích vui là chính. Tuy nhiên, ranh giới giữa đùa vui và xúc phạm lại rất mong manh. Vượt qua ranh giới đó, sẽ tạo ra xích mích. Tệ hơn là nó tiếp tục chuyển hóa thành bạo lực.
Những vụ án phát sinh từ nguyên nhân này giờ rất phổ biến. Chỉ riêng trong tuần này, như ngày 18/5 tại Long An, hai nhóm thiêu niên có xích mích trên mạng xã hội đã hẹn nhau sử dụng hung khí để quyết chiến. Lý do thì cũng chỉ vì bình phẩm về khuôn mặt của nhau rồi dẫn đến thách đấu, rất may cảnh sát đã kịp thời can thiệp và vây bắt. Tương tự một vụ xích mích trên mạng xã hội khác cũng dẫn đến hẹn nhau hỗn chiến ở Hưng Yên vào ngày 15/5 đã khiến 2 người bị thương phải đi cấp cứu.
Vậy làm thế nào để việc "cà khịa" không đi quá giới hạn?
Câu trả lời là hãy nghĩ đến cảm xúc của đối phương. Mà để đo lường đúng được cảm xúc đó thì bạn phải rất hiểu về họ. Nói cách khác, phải là người vô cùng thân quen, chứ đừng dại gì mà thử với người lạ. Khi đó nó chỉ là những câu trêu đùa trong gia đình, bạn bè để thêm tiếng cười cho cuộc sống.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.