Sau 4 năm triển khai Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững", hàng nghìn hộ dân ở Kon Tum đã chủ động chuyển mình, từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, cải tạo vườn tạp, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế.
Tại xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy), nơi có hơn 1.450 hộ DTTS trong tổng số hơn 1.600 hộ dân, phong trào cải tạo vườn tạp đã tạo hiệu ứng tích cực. Nhờ các chương trình hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật và tuyên truyền sâu rộng, người dân đã thay đổi nhận thức và hành động.

ông A Nghĩu (đứng giữa) còn được cán bộ xã Rờ Kơi thường xuyên xuống hướng dẫn cách chăm sóc cây sầu riêng.
Ông A Nghĩu, làng Đăk Đe chia sẻ: "Trước đây vườn chỉ trồng cây bời lời, thu nhập không đáng kể. Sau khi được hỗ trợ trồng sầu riêng, mắc ca và hướng dẫn kỹ thuật, tôi còn đầu tư thêm hệ thống tưới tiết kiệm. Giờ vườn phát triển tốt, có hy vọng làm giàu".

Ông A Ngun, làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình.
Tương tự, ông A Ngun – cùng làng – cũng được hỗ trợ cây giống và tích cực chia sẻ kinh nghiệm với bà con. "Mình học được rồi thì chia sẻ lại, cùng nhau chăm cây cho tốt", ông nói.
Huyện biên giới Sa Thầy có hơn 57% dân số là người DTTS, với khoảng 500 ha đất vườn. Trước đây, phần lớn diện tích bị bỏ hoang hoặc canh tác kém hiệu quả. Nhờ chủ trương cải tạo vườn tạp, diện mạo nông thôn dần khởi sắc.

Lãnh đạo huyện Sa Thầy thăm mô hình cải tạo vườn tạp của các hộ dân.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sa Thầy – bà Y Sâm – cho biết địa phương sẽ tiếp tục huy động hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh hướng dẫn kỹ thuật, phát triển tổ hội trồng trọt, hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất và liên kết đầu ra.
Tính đến nay, toàn tỉnh Kon Tum đã xây dựng và duy trì 1.248 mô hình phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường với hơn 23.600 lượt người tham gia – phần lớn là đồng bào DTTS. Nguồn lực huy động lên tới hơn 140 tỉ đồng. Trong số này, gần 17.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo DTTS (chiếm hơn 81%) đã thay đổi tư duy, gần 70% biết ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất.

Đồng chí Nguyễn Đức Tuy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum tặng cồng chiêng cho người dân vùng dân tộc thiểu số giúp họ gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
Tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện cuộc vận động, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum – ông Nguyễn Đức Tuy – khẳng định: "Cuộc vận động đã thật sự khơi dậy ý chí tự lực, thay đổi nếp nghĩ, cách làm và cải thiện căn bản đời sống đồng bào. Đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với thực tiễn Kon Tum – nơi có hơn 54% dân số là người DTTS".
Ông cũng nhấn mạnh: "Phải làm cho người dân thấy việc thoát nghèo là vì chính họ, cho tương lai con cháu, chứ không chỉ là mục tiêu của Nhà nước".
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.