Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt đã xác định ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc. Mục tiêu cụ thể đặt ra là đến năm 2030 cả nước có 5.000km đường cao tốc.
Để đạt mục tiêu này, Chính phủ và các bộ ngành đã và đang triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tuy nhiên, để đảm bảo các tuyến cao tốc phát huy hiệu quả, công tác vận hành, khai thác và bảo trì cũng là điều đáng được quan tâm.

2 đoạn cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được các đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện để có thể thông xe vào dịp Quốc khánh 2/9 này. Những đoạn tuyến cao tốc khác cũng đang được chỉ đạo sát sao để có thể hoàn thành đúng tiến độ nhằm đạt mục tiêu đến 2025, cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc.
Trước thực tế đó, để đảm bảo nguồn nhân lực, Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường bộ và Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả tổ chức khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc. Đây là khóa học đầu tiên được tổ chức.

Đường cao tốc là "công trình giao thông cấp đặc biệt", có yêu cầu về công tác quản lý, khai thác khác biệt so với những công trình đường bộ thông thường, vì thế, giáo trình giảng dạy cũng được đầu tư nghiên cứu.
Theo tính toán, để đáp ứng yêu cầu quản lý vận hành đường cao tốc, trung bình mỗi Km đường cần 2 công nhân kỹ thuật. Điều đó có nghĩa, đến năm 2025, với 3.000 km đường cao tốc sẽ cần khoảng 6.000 công nhân quản lý vận hành và đến năm 2030 con số này sẽ là khoảng 10.000 công nhân. Việc chủ động phối hợp tổ chức đào tạo nhân lực thực hiện khai thác vận hành đường cao tốc là cần thiết để đảm bảo phát huy hiệu quả các tuyến đường đã được đầu tư xây dựng.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.