Sáng 20/6, tại trụ sở Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có những trao đổi về thông tin liên quan tới việc tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ và Cục Đường bộ cao tốc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo để giữ mô hình tổng cục, do đơn vị đã có quá trình hoạt động lâu dài, song tới đây, mô hình này sẽ không còn nữa.
Về định hướng sau khi xóa Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ, Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải xây dựng đề án trình và xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Khi Thủ tướng ký nghị định điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải, lúc đó mới có kết quả và mới biết mô hình cụ thể là gì, có Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam không, hay chỉ có Cục Đường bộ Việt Nam, hoặc có cả hai.
"Chúng tôi vẫn đang xây dựng đề án và liên tục tổ chức các cuộc họp để làm sáng tỏ vấn đề, báo cáo lên Chính phủ đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng. Quyết định cuối cùng là của tập thể thành viên Chính phủ, không phải của Bộ Giao thông vận tải", Bộ trưởng thông tin và khẳng định sẽ công khai lấy ý kiến rộng rãi về vấn đề này để có thông tin nhiều chiều.
Trước đó, vào giữa tháng 5/2022, Bộ GTVT đã có tờ trình gửi Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT. Đáng chú ý, Bộ GTVT đề xuất tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam. Sau khi tổ chức lại, cơ bản Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện nay.
Về ý kiến cho rằng, việc tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam ra làm 2 đơn vị quản lý có dẫn tới sự trùng lắp, chồng chéo hay không, ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) cho biết, xét về mặt đối tượng, dưới góc độ nghiên cứu của Bộ Nội vụ thì không có sự chồng chéo. Trong đường bộ có đường cao tốc, nhưng đường cao tốc đang được xác định là tuyến đường huyết mạch, kết nối các cực tăng trưởng, tạo ra động lực tăng trưởng mới, nên cần có phương thức quản lý tập trung thống nhất.
Phương thức quản lý đường cao tốc hiện nay khác với quản lý đường bộ. Đường cao tốc được xây dựng mới, thu hút các nguồn lực, yêu cầu có cách quản lý riêng, chuyên sâu hơn. Đây là căn cứ để Bộ Nội vụ cùng Bộ Giao thông báo cáo Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ xem phương án tổ chức nào cho hợp lý.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.