
Trời nắng gay gắt tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 29/5/2025 (Ảnh: THX/TTXVN)
Người phát ngôn Tổ chức Khí tượng Thế giới - bà Clare Nullis - cho biết Bắc bán cầu đang bước vào tháng nóng nhất trong năm, song mức nhiệt cao bất thường như năm nay là điều đáng lo ngại.
Tây Âu đang "oằn mình" dưới nắng nóng do ảnh hưởng của hệ thống áp suất cao, khiến hơi nóng từ Bắc Phi bị giữ lại ở khu vực này. Một yếu tố quan trọng khác dẫn đến đến đợt nắng nóng lần này là nhiệt độ mặt nước biển đặc biệt cao ở Địa Trung Hải, tương đương với nắng nóng trên đất liền. Biển Địa Trung Hải đang phải chịu đợt nắng nóng khá gay gắt và điều này có xu hướng làm gia tăng nhiệt độ cực đoan trên đất liền. Bên cạnh đó, hiện tượng đảo nhiệt đô thị đang làm trầm trọng thêm tình hình tại các thành phố, do thiếu cây xanh để hấp thụ nhiệt và các bề mặt bê tông phản xạ nhiệt.
Nắng nóng là kẻ giết người thầm lặng, gây tử vong nhưng thường bị đánh giá thấp trong thống kê chính thức. Do biến đổi khí hậu, nắng nóng cực đoan được dự báo xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và với cường độ mạnh hơn. WMO kêu gọi các quốc gia tăng cường cảnh báo sớm và hành động phối hợp để bảo vệ cộng đồng. Bà Nullis cũng nhấn mạnh thế giới cần phải học cách "sống chung" với nắng nóng kéo dài.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia ven Địa Trung Hải đang phải chống chọi với thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua. Pháp đã phải đóng cửa Tháp Eiffel, hơn 1.300 trường học phải ngừng hoạt động. Italy, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bỉ cũng phát cảnh báo đỏ và sơ tán dân do nguy cơ cháy rừng và nắng nóng cực đoan. Tại thủ đô Brussels (Bỉ), ngày 1/7, công trình biểu tượng Atomium đã đóng cửa khi nhiệt độ tại đây tăng lên gần 37oC.
Trong khi đó, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cũng lưu ý: "Nắng nóng cực đoan không hẳn là thảm họa, kiến thức, sự chuẩn bị và hành động sớm sẽ tạo nên sự khác biệt lớn".
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.