Phân công chức năng và định hướng rõ ràng
Nghị quyết vừa được thông qua gồm 6 Chương 35 Điều, quy định về việc thành lập, hoạt động, quản lý, giám sát và các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Trình bày tiếp thu, giải trình của Chính phủ trước khi Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và xuất phát từ chủ trương phát triển Trung tâm tài chính quốc tế một cách toàn diện, có tính chiến lược, căn cứ trên tiềm năng, lợi thế riêng của từng địa phương và yêu cầu phát triển cân đối, hài hòa vùng miền, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị về việc thành lập một Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại 2 TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng, có sự phân công chức năng và định hướng rõ ràng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng
Tại đây, TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất cả nước, đã hình thành hệ sinh thái tài chính phong phú, có hệ thống ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm phát triển, thu hút nhiều tổ chức, định chế tài chính quốc tế.
Theo đó, Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ phát triển thị trường vốn; ngân hàng, thị trường tiền tệ; phát triển cơ chế thử nghiệm (sandbox) về Fintech, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính; thành lập các sàn giao dịch chuyên biệt, nền tảng giao dịch mới; phát triển thị trường hàng hóa…
Còn tại Đà Nẵng, với lợi thế về vị trí địa lý trung tâm miền Trung, là cửa ngõ ra biển của các hành lang kinh tế Đông - Tây, là nơi có điều kiện thuận lợi để thử nghiệm các mô hình mới như tài chính bền vững, tài chính xanh và ứng dụng công nghệ tài chính, dịch vụ số...
Thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 2 Thành phố đã tập trung chuẩn bị công việc để xây dựng, phát triển và vận hành Trung tâm tài chính quốc tế như: Bố trí nguồn nhân lực, xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao, đội ngũ quản lý cho Trung tâm tài chính quốc tế; Chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng để xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế; Xúc tiến đầu tư, tiếp xúc các nhà đầu tư chiến lược, tiềm năng.
Về đối tượng và phạm vi áp dụng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, yêu cầu của việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế là phải có chính sách đặc thù, vượt trội, tiệm cận thông lệ quốc tế nhưng phải đi kèm với cơ chế kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống. Trong khi đó, quy định pháp luật hiện hành về ngoại hối, ngân hàng, kiểm toán, chứng khoán… còn khoảng cách so với chuẩn mực quốc tế.
“Một đầu mối" tiếp nhận, xử lý
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng giải trình các ý kiến về áp dụng pháp luật và ngôn ngữ; các chính sách đặc thù áp dụng trong Trung tâm tài chính quốc tế ; cơ chế giải quyết tranh chấp…
Trong đó, việc giám sát tại Trung tâm tài chính quốc tế được thực hiện theo thông lệ quốc tế và dựa trên rủi ro. Cơ quan giám sát Trung tâm tài chính quốc tế sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát một số lĩnh vực cốt lõi và từng bước mở rộng phạm vi hoạt động.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ: Tài chính, Công Thương, Công an và các cơ quan liên quan vẫn thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền, nhưng thông qua cơ chế phối hợp với Cơ quan giám sát Trung tâm tài chính quốc tế, hạn chế tối đa việc can thiệp trực tiếp đến các thành viên trong Trung tâm tài chính quốc tế, bảo đảm nguyên tắc "một đầu mối" tiếp nhận, xử lý.

Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ phát triển thị trường vốn; ngân hàng, thị trường tiền tệ...
Chính phủ sẽ ban hành quy định chi tiết, phân công rõ ràng trách nhiệm, thẩm quyền và cơ chế phối hợp, nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ; giảm thiểu thủ tục hành chính; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu kiểm soát rủi ro, bảo vệ tính ổn định và minh bạch của Trung tâm tài chính quốc tế.
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng Nghị quyết, Chính phủ cũng đã nhận thức được các rủi ro về thành lập các sàn giao dịch, nền tảng giao dịch nêu trên cũng tiềm ẩn một số rủi ro bị lợi dụng để hợp thức hóa dòng tiền bất hợp pháp thông qua mua bán các sản phẩm trên; rủi ro bị đầu cơ, thổi giá, tạo bong bóng tài sản...
Theo đó, cần xây dựng khung pháp lý đồng bộ; thiết chế giám sát chặt chẽ, minh bạch, có hệ thống, theo chuẩn mực quốc tế để kiểm soát các giao dịch trên sàn. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu các quy định cụ thể để đưa vào Nghị định hướng dẫn.
"Trung tâm tài chính quốc tế được áp dụng cơ chế đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ, đổi mới tư duy về xây dựng pháp luật, kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm…", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.