Những hãng phim nhà nước rơi ngay vào cảnh khủng hoảng khi không có phim đặt hàng, không có nguồn vốn để sản xuất phim trước chủ trương cổ phần hóa.
Có lẽ đã đến lúc không thể chỉ đổ lỗi cho cơ chế. Họ cũng cần xem lại mình. Ngủ quên trên quá khứ, tư duy lối mòn đang làm cho điện ảnh nhà nước bị bỏ lại phía sau.
21 tỷ đồng là mức kinh phí kỷ lục được nhà nước đầu tư cho Sống cùng lịch sử của Hãng phim truyện Việt Nam. Tên tuổi của vị đạo diễn lừng danh 6x với những Đời cát, Người đàn bà mộng du hay Trái tim bé bỏng với cơn mưa giải Bông sen Vàng, Cánh diều Vàng không làm cho phim sống được với khán giả hôm nay.
Vẫn được đầu tư kỹ lưỡng, công phu, tâm huyết và bài bản là công sức và cống hiến lao động nghiêm túc của bao nghệ sĩ nhưng phim nhà nước vẫn không thắng được mà bị lấn át bởi sự bùng nổ của phim tư nhân, hợp thời hơn.
Những năm qua, tại Viện phim Việt Nam, phim trong diện lưu trữ với vốn nhà nước trên 30%, chỉ có 28 phim, cái tên nổi bật về mặt doanh thu, có duy nhất Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thuộc diện hợp tác công tư.
Phim truyện nhà nước èo uột, ảm đạm như hình ảnh hiện tại hãng phim danh tiếng một thời. Cuộc đời của Yến là bộ phim điện ảnh gần nhất được sản xuất, ra rạp dưới cái bóng của Hãng phim truyện Việt Nam. Từ đó đến nay, 3-4 năm liền, hãng này không có một "quả ngọt" gì, ngoài "trái đắng" lùm xùm cổ phần hóa.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cuộc đời của Yến - những điểm sáng le lói càng khẳng định một kịch bản hay chạm tới cảm xúc người xem mới là nhân tố cốt lõi chứ không phụ thuộc vào việc nhà nước đặt hàng, nhà nước tài trợ, nhà nước hay tư nhân sản xuất.
Những anh cả đỏ của điện ảnh cách mạng, có lẽ cần làm một "cuộc cách mạng" cho chính mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.