3 cm là chiều cao tăng lên của người Việt Nam sau hơn 1 phần tư thế kỷ. Đây là con số thấp so với hầu hết các nước trong khu vực.
Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện là 164,4 cm, thua 8 cm so với Nhật và 10 cm so với Hàn Quốc, ở nữ là 153,4 cm, thấp hơn chuẩn chung trên 10 cm. Trong 30 năm qua, người Việt Nam có cao lên nhưng không nhanh, 10 năm chỉ cao thêm được một cm.
Khách mời chương trình Vấn đề hôm nay ngày 5/2 là GS.TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia và ông Trần Quang Vinh - Ban Điều phối Đề án Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 đã có những đánh giá về những con số kể trên.
GS.TS Lê Danh Tuyên cho biết: "Hiện tại, chiều cao chúng ta ngang với Philippines và Indonesia, thấp hơn Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Tuy vậy, mức tăng chiều cao 3 cm là tương đối dài. Từ năm 1875 đến 1975, do chiến tranh nên chiều cao tất cả các nước như nước ta đều không tăng. Từ năm 1975 đến 2000, chiều cao nước ta tăng chậm nhưng từ năm 2000 đến năm 2010, chúng ta tăng nhanh lên 2,2 cm, tương đương với Nhật Bản ở thời kỳ hưng thịnh nhất".
Theo khảo sát các chuyên gia sức khỏe đại học Stanford ở Hoa Kỳ thực hiện hơn 100 quốc gia, Việt Nam nằm trong các quốc gia lười vận động nhất thế giới, với chỉ khoảng 15,3% số người dân tập thể dục nhiều hơn ba mươi phút mỗi ngày. Theo nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia 5 năm qua số mắc tăng huyết áp ở Việt Nam đã tăng hơn gấp rưỡi, số mắc đái tháo đường tăng trên 200% trong vòng 10 năm.

Tác hại của việc lười vận động
Ông Trần Quang Vinh cho rằng nhận thức về việc tập luyện thể dục thể thao ở nước ta chưa thật sự tốt: "Vấn đề thể lực có rất nhiều yếu tố. Yếu tố quan trọng là tạo thành thói quen để thành nhu cầu hàng ngày. Để hình thành thói quen đó thì phải hình thành từ nhỏ. Hiện nay trong hệ thống nhà trường, giáo dục thể chất cần phải đẩy mạnh vì giờ tập thể dục rất ít, chấm điểm môn thể dục mang tính Đạt hay Không đạt thì không có tính khuyến khích trẻ từ nhỏ thì không có thói quen tập luyện".
"Xã hội phát triển bây giờ thì Facebook, game chi phối rất nhiều giới trẻ, đặc biệt lứa tuổi thiếu niên càng ít vận động. Chính vì vậy, thế giới nhận định Việt Nam lười vận động. Bên cạnh đó là yếu tố giao thông nên khó đi bộ" – ông Trần Quang Vinh cho biết.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.