
Ngày 24/6, Diễn đàn Xuất bản số 2025 (DPS 2025) – sự kiện chuyên ngành đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho lĩnh vực xuất bản – đã diễn ra với sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ, nhà xuất bản và các đơn vị nội dung số. Sự kiện tập trung vào chủ đề "Tương lai ngành xuất bản trong kỷ nguyên số", nhằm thúc đẩy chuyển đổi toàn diện trong ngành, từ mô hình sản xuất đến cách tiếp cận bạn đọc.

Xuất bản số hiện đang là "mỏ vàng" toàn cầu với doanh số ước tính lên đến 120 tỷ USD, mở ra dư địa phát triển rộng lớn cho các doanh nghiệp nội dung. Vì thế, "Tương lai ngành xuất bản trong kỷ nguyên số" không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược, mà còn phản ánh sự cấp bách trong việc tái cấu trúc lại toàn bộ chuỗi giá trị xuất bản truyền thống.
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Quốc Vinh, Phó Chủ tịch Fonos cho rằng, quá trình chuyển đổi số không thể chỉ nhìn dưới góc độ công nghệ hay số hóa nội dung đơn thuần, mà cần xem lại cả "sứ mệnh, thói quen và sự hợp lực" trong toàn ngành.

Ông Lê Quốc Vinh, Phó Chủ tịch Fonos
"Chuyển đổi số không phải là việc đưa sách lên mạng hay phát hành ebook. Đó là một cuộc tái định nghĩa toàn diện từ cách tổ chức nội dung, hiểu độc giả, đến mô hình vận hành của các nhà xuất bản. Nếu chỉ ứng dụng công nghệ mà không thay đổi tư duy, thì chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau," ông Vinh cho biết.
Cụ thể, có ba yếu tố cốt lõi mà ngành xuất bản Việt Nam cần tập trung gồm: tư duy lãnh đạo đổi mới, hạ tầng công nghệ linh hoạt và nguồn nhân lực hiểu hành vi người dùng hiện đại. Ông cũng cảnh báo rằng hành vi đọc đang thay đổi rất nhanh, đặc biệt trong giới trẻ – với nhu cầu cao về sách nói, nội dung ngắn, tương tác và khả năng cá nhân hóa.
Đồng tình với quan điểm, ông Nguyễn Cảnh Bình, Viện trưởng Viện Lãnh đạo ABG nhấn mạnh, xuất bản không chỉ là phát hành sách, mà là kiến tạo một hành trình học hỏi – nơi trải nghiệm được cá nhân hóa, tương tác và lan tỏa tri thức qua những định dạng mới như flashcards, ebooks song ngữ hay video microlearning. Theo ông, đây là hướng đi phù hợp với thế hệ độc giả trẻ – những người có nhu cầu học nhanh, học linh hoạt và học theo cách riêng của mình.
"Một thế hệ bạn đọc số đang hình thành, với thói quen đọc trong lúc di chuyển, nghe sách khi tập thể dục, sử dụng ebook tích hợp âm thanh, hình ảnh – những thói quen hoàn toàn khác biệt so với trải nghiệm truyền thống. Tuy nhiên, phần lớn đơn vị xuất bản hiện nay vẫn chưa có chiến lược cụ thể để phục vụ nhóm đối tượng này", ông Bình cho biết.
Ngành xuất bản cần kịp thời thích nghi với hành vi tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng, đặc biệt ở nhóm độc giả trẻ
Tư duy này cũng được thể hiện rằng: ngành xuất bản cần kịp thời thích nghi với hành vi tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng, đặc biệt ở nhóm độc giả trẻ, ưa chuộng nội dung ngắn, sách nói và định dạng tương tác thì nguy cơ bị bỏ lại phía sau là thực tế.
Điều cốt lõi vẫn là sự hợp lực – không chỉ giữa các nhà xuất bản với nhau, mà giữa nhà nước, doanh nghiệp công nghệ và người tiêu dùng. Đây được coi là thông điệp xuyên suốt và cũng là bài học quan trọng về chuyển đổi số: nếu chỉ dừng lại ở ứng dụng phần mềm hay theo trào lưu công nghệ, thì chưa đủ. Nó cần một tư duy tổng thể và một lộ trình dài hơi, có cam kết, có chiến lược và trên hết là có tinh thần cởi mở, kết nối.
Trong khuôn khổ diễn đàn là lễ ra mắt dự án "Beta Garden" – cuộc thi tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ xuất bản, khơi dậy sức sáng tạo từ cộng đồng trẻ và doanh nghiệp nội dung.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.