Cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn": Viết tiếp niềm tự hào dân tộc

Nhóm PV

27/04/2025 20:08 GMT+7

VTV.vn - Được đầu tư công phu và hoành tráng, cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn" kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam đã mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả cả nước.

Cầu truyền hình: Vang mãi khúc khải hoàn - 27/4/2025

Với mong muốn lan toả tầm vóc, giá trị, ý nghĩa lịch sử của Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; nâng cao nhận thức, bồi đắp lý tưởng cách mạng, niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.

Chương trình Cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, tối 27/4 từ 3 điểm cầu: Công viên Thống Nhất, Đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội); Di tích Quốc gia đặc biệt Khu vực Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Quảng Trị); Công viên Bờ sông Sài Gòn, TP Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh).

Chương trình gồm 3 chương: “Khát vọng hoà bình”, “Ý chí độc lập thống nhất” và “Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam”. Cầu truyền hình  Vang mãi khúc khải hoàn đan xen giữa quá khứ và hiện tại, tái hiện trang sử hào hùng của dân tộc, thể hiện những bài học lịch sử, tinh thần đoàn kết, đồng thời nêu bật được thành tựu của đất nước trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển. 

Dẫn chương trình ở điểm cầu Hà Nội là 2 BTV Tuấn Dương và Hồng Nhung; tại Quảng Trị là Trần Long, Phí Linh; tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh là Đức Bảo và Hoài Anh. Các tiết mục nghệ thuật trong Vang mãi khúc khải hoàn được dàn dựng quy mô hoành tráng tại 3 miền Bắc-Trung-Nam với hình thức thể hiện đa dạng: MV, thực cảnh, hoạt cảnh…, cùng nhiều màu sắc âm nhạc phong phú, tái hiện những trang sử hào hùng của đất nước. 

Cầu truyền hình quy mô và hoành tráng với sự xuất hiện của hơn 1.200 người tại 3 điểm cầu Bắc - Trung - Nam Vang mãi khúc khải hoàn là bức tranh đan xen giữa quá khứ hào hùng và hiện tại, chuyển tải thông điệp tự hào về khát vọng thống nhất, tinh thần đoàn kết, yêu chuộng hoà bình của dân tộc Việt Nam.

DƯỚI ĐÂY LÀ DIỄN BIẾN CHI TIẾT CẦU TRUYỀN HÌNH VANG MÃI KHÚC KHẢI HOÀN:

21:55 ngày 27/04/2025

Tiết mục mashup Một vòng Việt Nam – Nối vòng tay lớn

Tiết mục mashup Một vòng Việt Nam – Nối vòng tay lớn do các nghệ sĩ từ ba điểm cầu thể hiện. Trên nền nhạc tràn đầy hứng khởi, màn bắn pháo hoa đã tạo nên một cái kết đẹp cho chương trình cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn.

undefined - Ảnh 1.
undefined - Ảnh 2.
undefined - Ảnh 3.

Năm tháng đã trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, như biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là một cuộc trổng huy động nguồn lực có quy mô chưa từng có trong lịch sử chiến tranh nhân dân. Cuộc kháng chiến chính nghĩa mang theo khát vọng thống nhất của dân tộc Việt Nam đã lam lay động hàng triệu trái tim của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết vững chắc của toàn dân tộc đã góp phần làm nên nguồn lực to lớn, tạo thành sức mạnh tổng hợp đưa đân tộc ta đến ngày toàn thắng. Chương trình Vang mãi khúc khải hoàn đúng như tên gọi của nó – dư âm của chiến thắng vẫn sẽ còn vang vọng mãi; để rồi, khi non sông đã liền một dải, đứng trước vận hội mới, cả dân tộc ta sẽ cùng nhau sánh vai, tự tin tiến bước vào một kỷ nguyên đầy khát vọng và vinh quang.

21:53 ngày 27/04/2025

Phóng sự: Thành tựu của đất nước sau 50 năm thống nhất, đặc biệt là 40 năm đổi mới


21:48 ngày 27/04/2025

Tiết mục Quê hương Việt Nam

Ca khúc Quê hương Việt Nam được vang lên với giọng hát của nhiều Đại sứ và phu nhân/phu quân, cùng với tiếng hát của hai nghệ sĩ Suboi - Phạm Anh Duy. Tiết mục đặc biệt có sự tham gia của các đại sứ và phu nhân/phu quân tới từ các quốc gia Cộng hoà Argentina, Cộng hoà Hồi giáo Pakistan, Cộng hoà Kazakhstan, Cộng hoà Indonesia, Cộng hoà Hồi giáo Iran, Vương quốc Campuchia, Cộng hoà nhân dân Bangladesh, Cộng hoà Cuba, Vương quốc Thái Lan, Liên Bang Nga, Nhà nước Israel, Cộng hoà Peru, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh (Việt Nam). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lên bắt tay các Đại sứ, phu nhân/phu quân tham gia tiết mục.

undefined - Ảnh 1.
undefined - Ảnh 2.

21:40 ngày 27/04/2025

Chương III: Tự hào ta đi lên! Ôi Việt Nam

50 năm đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 - dấu mốc lịch sử kết lại một chương bi tráng trong bản hùng ca của dân tộc Việt Nam. Sau nửa thế kỷ, những người lính từng đứng hai bên chiến tuyến đã vượt qua khác biệt, khép lại đau thương của quá khứ. Cái nắm tay hôm nay không chỉ là sự gặp gỡ giữa những người từng đối đầu trên chiến trận, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của lòng nhân ái và biểu tượng của sự hàn gắn. Giữa lòng Việt Nam hòa bình và thống nhất, tinh thần hòa giải ấy sẽ tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta vững bước vào kỷ nguyên mới, cùng nhau vun đắp một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ hiện tại và mai sau.

undefined - Ảnh 1.
undefined - Ảnh 2.
undefined - Ảnh 3.
undefined - Ảnh 4.

Ông Adolph Novello là cựu binh Mỹ ở Đại đội E, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Thủy quân lục chiến, quân đội Hoa Kỳ. Trước đây, ông từng tham chiến tại Việt Nam giai đoạn 1967 – 1968. Với ông, sự tàn khốc của chiến tranh vẫn như những đoạn phim đen trắng lặp đi lặp lại trong ký ức mà ông luôn tìm cách tránh né. Tất cả được ông giữ kín trong tim và đóng chặt trong một chiếc hộp.

Ekip Vang mãi khúc khải hoàn đã thực hiện một cuộc gặp gỡ cho người cựu binh Mỹ và gia đình liệt sĩ Kha Văn Việt ngay tại sân khấu của cầu truyền hình, để họ có thể nhận lại những kỉ vật của người thân. Những kỷ vật còn lại ông Adolph mang đến mà chưa tìm được chủ nhân đã được trao lại Cục Chính sách xã hội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.


21:32 ngày 27/04/2025

Tiết mục Tự hào đi lên! Ôi Việt Nam do NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Phạm Thế Vĩ và Anh Bằng thể hiện.

undefined - Ảnh 1.
undefined - Ảnh 2.

21:30 ngày 27/04/2025

Bức thư gửi người đang sống

Để có được chiến thắng hôm nay, biết bao người con anh dũng của đất nước đã phải nằm xuống. Chương trình cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn đã kể lại câu chuyện của một bức thư đặc biệt. Đó là bức thư của 3 chiến sĩ giải phóng quân trước khi hi sinh đã để lại cho hậu thế. Họ là Lê Hoàng Vũ (quê Thái Bình), Nguyễn Chí (quê Quảng Ngãi); Trần Viết Dũng (quê thành phố Sài Gòn), chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội "Ký Con", Trung đoàn Bình Giã, quân giải phóng miền Nam. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bị thương và đói khát, họ đã chọn cho mình một địa điểm là cánh rừng nguyên sinh ở thượng nguồn sông Đồng Nai làm nơi chốn cuối cùng của mình. Trước khi chết, họ đã để lại một bức thư để gửi lại cho những người còn sống.

undefined - Ảnh 1.
undefined - Ảnh 2.

Nội dung bức thư có đoạn viết: "Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn. Còn như chúng tôi được phát hiện muộn hơn sau 5 năm – 10 năm – tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi – gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được  đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng. Hay trong trường hợp đến 50-100 năm sau, thư này mới tới những người, có thể gọi là thế hệ mai sau, thì cho phép chúng tôi gửi lời chào xã hội chủ nghĩa, cho phép chúng tôi bày tỏ vui mừng tuyệt diệu vì hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta mà chúng tôi trở thành những hạt bụi có ích. Và hơn thế nữa nếu được, cho chúng tôi gửi lời chào niềm nở nhất đến những con người ở những vì sao xa xôi, những người bạn mới giữa các hành tinh". Bức thư đã khiến nhiều khán giả có mặt tại các điểm cầu không khỏi xúc động.

21:26 ngày 27/04/2025

Tiết mục Tiến về Sài Gòn – Như có Bác trong ngày vui đại thắng do nhóm hợp xướng và nhóm múa thể hiện đưa khán giả trở lại với không khí hào hùng của tháng 4 lịch sử. 

undefined - Ảnh 1.

Cũng trong chương trình, khán giả đã được gặp gỡ  cựu chiến binh Trần Văn Thanh - 76 tuổi ở Nghệ An. Dù đã cao tuổi nhưng ông vẫn  một mình đi xe máy từ Vinh vào thành phố Hồ Chí Minh để xem Lễ Diễu binh. Trong suốt những ngày qua, hình ảnh ông rong ruổi trên những con đường đất nước để đến với thành phố Hồ Chí Minh trong thời khắc lịch sử của đất nước đã khiến nhiều người rất xúc động.

21:25 ngày 27/04/2025

Phóng sự: Trận đánh Xuân Lộc - Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất

Những tư liệu quý giá về trận đánh Xuân Lộc, trận đánh sân bay Biên Hòa - những trận đánh quan trọng phá vỡ thế phòng ngự của địch, tạo cơ sở thuận lợi triển khai Chiến dịch Hồ Chí Minh. 


21:19 ngày 27/04/2025

Tiết mục Tiến về Sài Gòn do nhóm hợp xướng Phương Nam và nhóm sinh viên Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện. Tiết mục có hàng trăm nghệ sĩ, sinh viên và các chiến sĩ bộ đội, tái hiện lại không khí khẩn trương, hào hùng của những ngày lịch sử.

undefined - Ảnh 1.
undefined - Ảnh 2.

21:19 ngày 27/04/2025

Phóng sự: Nghệ thuật quân sự và nắm bắt thời cơ và thực hiện chủ trương tổng tiến công và nổi dậy trên toàn Miền Nam

Những chiến thắng lớn liên tục từ chiến trường miền Nam đã giúp lòng quân tràn đầy khí thế, nghe như một lời hịch, vừa hành quân vừa đánh, nhanh chóng có mặt tại mặt trận miền Nam nhanh nhất. Đây cũng là lần đầu tiên có cách đánh "hành tiến".


undefined - Ảnh 2.
undefined - Ảnh 3.
undefined - Ảnh 4.

21:10 ngày 27/04/2025

Tiết mục thực cảnh Hà Nội niềm tin hy vọng

Tiết mục thực cảnh trên nền ca khúc Hà Nội niềm tin hy vọng, qua giọng hát của Tùng Dương và Anh Tú. Điểm đặc biệt là bối cảnh Hà Nội thời điểm ấy được ekip sản xuất tái hiện bằng công nghệ AI.

undefined - Ảnh 1.

Những ngày tháng 12/1972, Hà Nội rét ngọt và ngạt ngào hoa sữa. Hà Nội cũng rền vang những tiếng nổ liên hồi, đỏ trời bom đạn. Sau 12 ngày đêm khói lửa ấy, ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng ra đời. Và cũng sau 12 ngày đêm ấy, chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” đã tạo bước ngoặt và đòn quyết định buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. 

Sau Hiệp định Paris, Đảng xác định con đường của cách mạng miền Nam Việt Nam là bạo lực cách mạng, chuẩn bị chủ trương và giải pháp lớn về quân sự, đưa ra những đòn quyết định, tiêu diệt những tập đoàn chủ lực lớn của địch để nhanh chóng làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế và bước nhảy vọt về thời cơ. Chúng ta xác định phải giải phóng Miền Nam trước mùa khô 1975.

21:09 ngày 27/04/2025

Bản mashup Miền xa thẳm - Khát vọng do hai nghệ sĩ Hoàng Tùng - Thành Lê thể hiện đã mang đến không khí hào hùng, khơi gợi niềm từ hào trong lòng người người nghe.

undefined - Ảnh 1.
undefined - Ảnh 2.
undefined - Ảnh 3.
undefined - Ảnh 4.

21:01 ngày 27/04/2025

Phóng sự trận chiến ở Quảng Trị năm 1972 và câu chuyện về Trung đội Mai Quốc Ca về

Câu chuyện về Trung đội Mai Quốc Ca đã được kể lại trong chương trình cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn.


undefined - Ảnh 2.
undefined - Ảnh 3.
undefined - Ảnh 4.

20:58 ngày 27/04/2025

Lần đầu tiên ca khúc Imagine của nhóm nhạc The Beatles vang lên trong một chương trình chính luận – nghệ thuật tại Việt Nam. Một bản nhạc bất hủ về hòa bình thế giới, được thể hiện bởi trẻ em, nghệ sĩ quốc tế và dàn nhạc hai miền, mang đến một thông điệp nhân văn vượt thời gian và biên giới. Tiết mục do các nghệ sĩ Jmi Ko và Tăng Thành Nam cùng với các em thiếu nhi thể hiện.

undefined - Ảnh 1.
undefined - Ảnh 2.
undefined - Ảnh 3.

20:56 ngày 27/04/2025

Chương II: Ý chí độc lập thống nhất

Phóng sự: Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968


undefined - Ảnh 2.
undefined - Ảnh 3.
undefined - Ảnh 4.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Bộ Thống soái tối cao, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, toàn quân và toàn dân ta ở miền Nam đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt đánh vào hầu hết các thành phố, đặc biệt là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, các thị xã, thị trấn, chi khu, quận lỵ, sân bay và căn cứ hậu cần của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn trên toàn chiến trường miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã gây ra cho đế quốc Mỹ một đòn "choáng váng đột ngột", làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến dự định của chúng; làm rung chuyển không những toàn bộ chiến trường miền Nam Việt Nam mà còn làm rung chuyển cả Lầu Năm Góc cũng như toàn nước Mỹ. Để tạo được bất ngờ về chiến lược, Bộ Chính trị quyết định thời gian bắt đầu mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Mậu Thân.

20:53 ngày 27/04/2025

Hoạt cảnh: Lên đường

Hoạt cảnh do các nghệ sĩ - NSND Trần Ly Ly, NSƯT Nguyễn Hằng, Phùng Khải biên đạo. Tham gia biểu diễn có các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Vũ đoàn Imagine, các chiến sĩ thuộc Học viện An ninh nhân dân, chiến sĩ thuộc Trung đoàn BB692, Sư đoàn BB301,Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

undefined - Ảnh 1.

Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cả một thế hệ thanh niên, học sinh và sinh viên miền Bắc đã "Xếp bút nghiên lên đường ra trận". Trên mọi miền đất nước, từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến miền núi, đâu đâu cũng có thanh niên xung phong: xung phong vào bộ đội, xung phong đi đến những nơi xa xôi, gian khổ nhất.

Những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi sẵn sàng ra tiền tuyến với tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", quyết tâm "Sống bám đường bám cầu, chết kiên cường dũng cảm", "Địch đánh ngày thì ta làm đêm". Chiến tranh càng khốc liệt, tinh thần khí thế dũng cảm quên mình của những thanh niên xung phong trên tiền tuyến càng mãnh liệt.



20:47 ngày 27/04/2025

Phóng sự: Vai trò của Đường Trường Sơn

Câu chuyện về việc xây dựng đường ống xăng dầu trên Đường Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam.


undefined - Ảnh 2.
undefined - Ảnh 3.
undefined - Ảnh 4.

Nhà báo Jacques C. Despuech (Pháp) đã khẳng định "...bị trọng pháo, bom phá tạo thành các núi lửa khổng lồ suốt ngày đêm, vậy mà con đường ấy vẫn như mạng nhện muôn ngả, thực sự trở thành công cụ trọng yếu duy nhất trong lịch sử tiếp vận quân sự Việt Nam. Con đường mòn ấy không chỉ là vật thể mà nó là con đường dân tộc", bởi nó được xây nên bởi ý chí của cả một thế hệ "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Nước Mỹ đã chi tiêu hàng tỷ USD hòng bóp nghẹt con đường nhưng nó vẫn tồn tại. Thàng 8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên "sự kiện Vịnh Bắc Bộ", phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Quân dân miền Bắc kiên cường chống trả, đồng thời vẫn chi viện cho chiến trường miền Nam. Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người.

Ngày 17/7/1966, lời kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó là lời hịch khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, hiệu triệu mỗi người dân Việt Nam nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.

"Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", trích Lời kêu gọi Toàn quốc Chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

20:43 ngày 27/04/2025

Tại điểm cầu Quảng Trị, ca sĩ Phạm Thu Hà gửi tới khán giả truyền hình cả nước ca khúc Xa khơi, đậm chất Ví giặm của mảnh đất miền Trung.

undefined - Ảnh 1.
undefined - Ảnh 2.

20:38 ngày 27/04/2025

Tiết mục Trên công trường rộn tiếng ca đã tái hiện không khí lao động hăng say trên công trường, nông trường của nhân dân miền Bắc, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Tiết mục do rapper Hà Lê và ca nương Kiều Anh thể hiện, cùng sự góp mặt của 60 diễn viên chuyên nghiệp, 100 quần chúng ở điểm cầu Hà Nội.

undefined - Ảnh 1.
undefined - Ảnh 2.

20:36 ngày 27/04/2025

Phóng sự "Sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam"

Thanh niên có phong trào 3 sẵn sàng, phụ nữ có phong trào 3 đảm đang... tất cả quân dân miền Bắc đều nỗ lực hết mình vì miền Nam ruột thịt. 


20:32 ngày 27/04/2025

Tiết mục hoạt cảnh Giải phóng miền Nam

Tiết mục hoạt cảnh tái hiện lại những phong trào khởi nghĩa của đồng bào miền Nam. Đỉnh điểm là phong trào Đồng Khởi (17/1/1960). Đến năm 1960, nhân dân miền Nam đã làm chủ nhiều thôn, xã ở Nam Bộ, ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên. Thắng lợi của Đồng Khởi dẫn đến sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (20/12/1960). Sự kiện Đồng Khởi đánh dấu bước ngoặt của cách mạng Miền Nam, chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ khởi nghĩa từng phần tiến lên làm chiến tranh cách mạng, cấm dứt thời kỳ ổn định tạm thời của chế độ thực dân mới của Mĩ ở miền Nam, mở ra thời kì khủng hoảng của chế độ Sài Gòn.

undefined - Ảnh 1.
undefined - Ảnh 2.
undefined - Ảnh 3.
undefined - Ảnh 4.

Màn trình diễn do các nghệ sĩ trình diễn, gồm: Thanh Nguyên, Trúc Lai, My Phôn, Cao Công Nghĩa, Tùng Lâm, Minh Sang, Leo Minh Tuấn, Thành Tâm.

undefined - Ảnh 5.

20:29 ngày 27/04/2025

Hoạt cảnh vọng cổ: Ký ức

Tiết mục hoạt cảnh được dàn dựng dựa trên chất liệu ca khúc Lý con sáo, do NSƯT Quỳnh Hương, nhóm múa Mai trắng và nhóm hàng trăm sinh viên Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

Hoạt cảnh tái hiện bối cảnh Sài Gòn vào tháng 5/1959, chính quyền Sài Gòn ra Luật 10 – 59, đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật, làm cho lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề. Sự đàn áp của kẻ thù làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân miền Nam với đế quốc Mĩ và tay sai càng phát triển gay gắt. Cuộc đấu tranh ở miền Nam đòi hỏi phải có một biện pháp quyết liệt để đưa cách mạng tiến lên.

20:28 ngày 27/04/2025

Phóng sự: Bối cảnh lịch sử đất nước sau Hiệp đinh Genève

Chương trình mang đến những thước phim tư liệu quý giá tái hiện bối cảnh lịch sử đau thương nhưng kiên cường, khi cả dân tộc buộc phải cầm súng để bảo vệ độc lập, trả lời cho câu hỏi vì sao ta phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước suốt 20 năm.


undefined - Ảnh 2.
undefined - Ảnh 3.

Sau khi ký Hiệp định Genève về lập lại hòa bình ở Ðông Dương (20/7/1954), nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền. Miền Bắc bước vào khôi phục kinh tế - văn hóa, xây dựng Chủ nghĩa xã hội (CNXH) để đảm nhiệm vai trò là hậu phương. Ta khao khát hòa bình và tuân thủ mọi yêu cầu của Hiệp định Genève và đợi ngày tổng tuyển cử. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ với âm mưu biến miền Nam Việt Nam trở thành thuộc địa kiểm mới, dựng nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, viện trợ cho ngụy quyền Sài Gòn. Dựa vào sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ, Ngô Đình Diệm tuyên bố xóa bỏ Hiệp định Giơnevơ, tổ chức cuộc "trưng cầu dân ý" (ngày 23/10/1955) phế truất Quốc trưởng Bảo Đại để lên làm Tổng thống. Chế độ thực dân kiểu cũ chấm dứt, miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Để bảo vệ cho sự tồn tại của bộ máy nhà nước bù nhìn, phản động, Mỹ - Diệm tập trung vào chống phá, đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam. Quân và dân ta nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản của Hiệp định. Nghị quyết 15 của Đảng đã ra đời vào thời điểm ấy. Đó cũng chính là con đường cách mạng xuyên suốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

20:26 ngày 27/04/2025

Chương I - Khát vọng hòa bình

Chương 1 – Khát vọng hòa bình chính thức được bắt đầu với màn trình diễn nghệ thuật Câu hò bên bờ Hiền Lương do NSƯT Hồng Liên và nghệ sĩ Khánh Linh thể hiện. 

undefined - Ảnh 1.
undefined - Ảnh 2.

20:22 ngày 27/04/2025

Cầu truyền hình đặc biệt kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) - Vang mãi khúc khải hoàn -  là hành trình trở về với quá khứ hào hùng, nơi những chiến công rực rỡ và khát vọng hòa bình hòa quyện trong từng giai điệu và hình ảnh. Chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, nhằm lan tỏa ý nghĩa lớn lao của Đại thắng Mùa Xuân 1975, khơi dậy niềm tin, lý tưởng cách mạng, tiếp thêm nội lực cho hành trình hội nhập, hiện đại hóa hôm nay.

undefined - Ảnh 1.

Đồng chí Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng các khách mời tham dự cầu truyền hình tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh.

undefined - Ảnh 2.
undefined - Ảnh 3.

Tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh, chương trình có sự tham gia của đồng chí Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; đồng chí Nguyễn Duy Ngọc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị,  Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Mai Văn Chính - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...

undefined - Ảnh 4.
undefined - Ảnh 5.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ các cựu chiến binh trước khi chương trình diễn ra.

undefined - Ảnh 6.

Các đại biểu tham dự chương trình cầu truyền hình tại điểm cầu Hà Nội.

Tại điểm cầu Hà Nội, chương trình có sự tham gia của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị,  Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ở điểm cầu Quảng Trị, tham dự chương trình có đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Thượng tướng Trịnh Văn Quyết - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Trần Hồng Hà - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tới tham dự chương trình cầu truyền hình còn có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và một số các tỉnh thành trực thuộc Trung ương, các đồng chí lão thành cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong; các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, sở ban ngành đoàn thể thành phố các địa phương, cùng với các cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, lực lượng vũ trang và nhân dân.

20:14 ngày 27/04/2025

Ba điểm cầu lịch sử

Cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn sẽ được thực hiện tại 3 điểm cầu, gồm: Công viên Thống Nhất, đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội); Khu di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải (Quảng Trị) và công viên Bờ sông Sài Gòn, thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh). 

Hà Nội - Trái tim của cả nước

undefined - Ảnh 1.

Hà Nội trong quá khứ mang trọng trách lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hơn hai mươi năm, Thủ đô Hà Nội luôn hướng về miền Nam, với tinh thần "tất cả vì miền Nam ruột thịt", hết lòng, hết sức cùng cả nước động viên cổ vũ cuộc đấu tranh kiên cường của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đến thắng lợi cuối cùng. 

Hà Nội cũng đã trải qua ngày đêm khói lửa (từ ngày 18/12 – 29/12/1972), trải qua cuộc ném bom rải thảm với khối lượng bom đạn khổng lồ tương đương sức công phá của 2 quả bom nguyên tử đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) tháng 8/1945. Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không đã tạo bước ngoặt và đòn quyết định buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Đảm nhận vai trò dẫn chương trình tại điểm cầu này là BTV Tuấn Dương và Hồng Nhung.

Thành phố Hồ Chí Minh - Nơi kết thúc chiến tranh, bắt đầu một kỷ nguyên mới

undefined - Ảnh 2.

Sau 50 năm, giờ đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển ngoạn mục, vươn lên mang dáng dấp của một "siêu đô thị" hiện đại, trung tâm tài chính năng động bậc nhất Đông Nam Á. Từ một đô thị hậu chiến, thành phố Hồ Chí Minh trở thành đại đô thị hiện đại, dẫn đầu cả nước với những công trình biểu tượng, khu đô thị kiểu mẫu và hệ thống hạ tầng giao thông thông suốt, kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, tạo động lực phát triển kinh tế cho Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Đảm nhận vai trò dẫn chương trình ở điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh là BTV Hoài Anh và BTV Đức Bảo.

Quảng Trị – Biểu tượng chia cắt và đoàn tụ

undefined - Ảnh 3.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị có vị trí hết sức đặc biệt. Quảng Trị là mảnh đất địa đầu, nơi ngăn chia hai miền Nam - Bắc, chia cắt đất nước ta từ sau Hiệp định Genève. Nhưng cũng từ chính nơi ấy, ý chí thống nhất dâng cao, bao nhiêu lớp chiến sĩ đã đi hết 20 năm để bước qua được cây cầu 200m, để non sông liền một dải. Đảm nhận vị trí dẫn tại điểm cầu Quảng Trị là hai BTV Trần Long và Phí Linh.

20:11 ngày 27/04/2025

MV Con đường ta chọn

Chương trình cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn được mở màn với MV Con đường ta chọn. MV có sự tham gia của 50 người nổi tiếng thuộc các lĩnh vực khác nhau, có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh đó, ở các điểm cầu,  các diễn viên hóa thân thành nhiều vai trò khác nhau xuất hiện trên sân khấu...


undefined - Ảnh 2.
undefined - Ảnh 3.
undefined - Ảnh 4.
undefined - Ảnh 5.

19:54 ngày 27/04/2025

Dàn khách mời nổi tiếng tham gia chương trình cầu truyền hình

Cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Hồng Liên, NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Hoàng Tùng, NSƯT Phạm Thế Vĩ, Tùng Dương, Phạm Thu Hà, Khánh Linh, Anh Bằng, S. Jmi Ko, Tăng Thành Nam, Anh Tú, Hà Lê, ca nương Kiều Anh, Hoàng Dũng, Suboi, Thanh Lê, Thanh Nguyên, Trúc Lai, My Phôn, Cao Công Nghĩa, Tùng Lâm, Minh Sang, Leo Minh Tuấn, Thành Tâm...

undefined - Ảnh 1.
undefined - Ảnh 2.
undefined - Ảnh 3.
undefined - Ảnh 4.
Lên trên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.