Trả lại tên cho anh…
Cũng là cuộc hành trình đi tìm sự đoàn tụ cho những số phận vì lý do nào đó mà thất lạc nhau trong cuộc sống nhưng khác với “Như chưa hề có cuộc chia ly”, chương trình “Trở về từ ký ức” không chỉ là cuộc đoàn tụ giữa những người còn sống mà còn là sự trở về của những liệt sĩ vô danh đang còn nằm ở đâu đó trên khắp đất nước với thân nhân của họ.
Đó là cuộc đoàn tụ giữa hai bờ âm dương cách trở mà nhiều người phải mòn mỏi trông đợi cả cuộc đời. Sự tương tác trực tiếp với khán giả ngay trong thời gian phát sóng cũng là nét riêng làm nên chương trình này.
‘ "Trở về từ ký ức" như cuộc hội ngộ để xoa dịu nỗi đau chiến tranh (Ảnh: VTV News)
Ở đó sẽ có những gia đình liệt sĩ đang theo dõi chương trình chợt biết được người thân của mình đã sống và hy sinh ra sao, giờ đang an nghỉ ở nơi nào; có những cựu chiến binh bất ngờ gọi điện tới chương trình để thông báo cho gia đình liệt sĩ ấy những thông tin về người đồng đội đã hy sinh; có những người dân, nhân chứng tình cờ kể lại câu chuyện họ đã phát hiện ra kỷ vật, hài cốt của liệt sĩ hoặc chưa biết danh tính, hoặc biết danh tính mà chưa biết cách nào để báo với thân nhân của họ.
Điều khác biệt của chương trình là sẽ không có sự tham gia của bất kỳ nhà ngoại cảm nào trong cuộc hành trình đi tìm sự đoàn tụ ấy mà ở mỗi ngôi mộ mà chương trình tìm đến, hài cốt của các liệt sĩ sau khi được khai quật lên sẽ được giám định AND để xác minh thông tin còn khuyết, đảm bảo trả lại đúng danh tính cho người đã khuất và đưa họ tìm về đúng với thân nhân của mình. Công việc khó khăn này sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ của Cục Người có công - Bộ LĐTBXH, Trung tâm xét nghiệm AND và Công nghệ di truyền, các hội Cựu chiến binh, các cơ quan chính sách của quân đội…
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của những người làm chương trình, “Trở về từ ký ức” đã kết nối thông tin, xác minh và trả lại danh tính cho 300 liệt sĩ sau hơn 1 năm phát sóng. Kết quả ấy như một lời tri ân của những thế hệ sau đối với biết bao liệt sĩ đã hy sinh cả tuổi xuân và cuộc đời cho đất nước.
‘ Những người làm chương trình "Trở về từ ký ức" đang ngày ngày miệt mài với công việc (Ảnh: VTV News)
“Hãy yêu nước theo cách của mình”
Sau hơn một năm phát sóng, “Trở về từ ký ức” không chỉ là một chương trình truyền hình có hiệu ứng xã hội lớn mà còn là một “điểm hẹn” cho tình yêu Tổ quốc, hướng về cội nguồn của cộng đồng người Việt Nam. Và đặc biệt hơn, “Trở về từ ký ức” đã và đang khơi dậy một tình yêu nước nồng nàn với biết bao người trẻ của thế hệ hôm nay.
Nhà báo Thuy Uyên, người trực tiếp thực hiện chương trình “Trở về từ ký ức” chia sẻ: Hơi bất ngờ, là trong số khán giả thường xuyên của Trở về từ ký ức có rất nhiều bạn trẻ, trong gia đình cũng không có ai là liệt sĩ. Cũng bất ngờ là khán giả người Việt ở Mỹ, Đức,… theo dõi TVTKU qua VTV4 cũng những người gửi thư tâm đắc với Chương trình. Tôi luôn nghĩ, máu của các liệt sĩ đã đổ, cùng với bao nhiêu người đã thiệt mạng trong chiến tranh, bao thân nhân của họ và nhiều nạn nhân chiến tranh khác vẫn đang phải chịu đựng nỗi đau, để làm gì nếu không phải là để đất nước được hòa bình và dân tộc Việt Nam được toàn vẹn. Từ kinh nghiệm của mình, tôi nhắn các bạn hãy bắt tay vào việc, dù là nhỏ nhất. Ví dụ như đến nghĩa trang liệt sĩ, ghi chép lại những bia mộ khuyết thông tin, chụp hình lại, hoặc giúp các gia đình liệt sĩ ở quê mình biết cách xin lại giấy báo tử, và đăng ký với Chương trình. Phải nói là trăm trang sách không bằng 1 lần bạn đến với những người như vậy.”
Sự hấp dẫn của chương trình là ở sự cộng hưởng của những tấm lòng chân thành, của các thân nhân liệt sĩ, của khán giả và của chính những người làm chương trình cùng những người hỗ trợ, hợp tác với “Trở về từ ký ức”. Cộng hưởng những tấm lòng, cộng hưởng những trái tim, cộng hưởng những hành động, cộng hưởng những sẻ chia… như một biết ơn và tri ân của những thế hệ sau đối với biết bao liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
‘ "Trở về từ ký ức" trong một buổi ghi hình (Ảnh: VTV News)
Vĩ thanh
Theo thống kê của Cục Người có công, Bộ LĐ-TB-XH, hiện có mộ 318.953 liệt sĩ khuyết danh hoặc chưa đủ thông tin và 237.297 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Tức là, hiện có 556,250 liệt sĩ (bằng ½ tổng số liệt sĩ hi sinh trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc) còn chưa được an nghỉ. Tức là, 556,250 gia đình đã cống hiến con em, chồng, cha của mình cho sự nghiệp độc lập của Tổ quốc, còn chưa được biết người thân của mình đã ngã xuống và nằm lại ở nơi đâu?
“Các liệt sĩ không một ai vô danh, không một ai bị lãng quên./ Họ vẫn sống trong ký ức của thân nhân, và đồng đội.”… và khi chiến tranh đã lùi xa gần 4 thập kỷ, những cuộc tìm kiếm để xoa dịu nỗi đau vẫn đang như bắt đầu.
Nhà báo Thu Uyên chia sẻ: “Hình ảnh chiếc chong chóng quay tròn được chọn làm biểu tượng của chương trình khi tình cờ nghe được tâm sự xúc động của một người cựu chiến binh về những người đồng đội đã ngã xuống, rằng những liệt sĩ ấy nào có được biết đến tuổi thơ là gì đâu. Và chiếc chong chóng như gửi gắm khát vọng đưa họ trở về với ký ức của mình, nơi vòng xoay thời gian quay mãi mà không bao giờ có chiến tranh…”
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.