Quảng Ninh quyết liệt phòng chống dịch cúm gia cầm

Sỹ Khỏe

12/05/2013 19:07 GMT+7

Trước những diễn biến phức tạp của virus H7N9 tại Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh cũng như các tỉnh phía Bắc nước ta có chung đường biên giới với Trung Quốc đã phải tăng cường hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm.

Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết không có bằng chứng cho thấy chủng cúm gia cầm mới H7N9 dễ dàng lây nhiễm từ người sang người, nhưng lại cho biết 40% số người nhiễm H7N9 dường như không có tiếp xúc với gia cầm. Các nhà khoa học Trung Quốc đã xác nhận rằng H7N9 được truyền từ gà sang người.

Trong khi những nhận định trên vẫn đang được tiếp tục làm rõ, thì tin về một người Đài Loan sau khi từ Trung Quốc đại lục trở về bị nhiễm cúm H7N9 đã làm cho Việt Nam – một quốc gia có đường biên giới dài với Trung Quốc đã phải tăng cường các biện pháp phòng dịch.

Cũng như các tỉnh biên giới phía Bắc, tỉnh Quảng Ninh có đường biên giới chung đường bộ, đường thủy với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc rất dài tới khoảng 150 km.

Lượng người, hàng hóa do người dân hai nước qua lại đường bộ, đường sông rất đông, trong đó gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc qua đường mòn và qua sông Ka Long tràn sang Việt Nam với khối lượng lớn.

Do vậy, khi Trung Quốc xảy ra dịch cúm H7N9 làm chết hàng chục người, đã bắt buộc tỉnh Quảng Ninh tăng cường kiểm soát để ngăn ngừa khả năng lây truyền dịch qua biên giới. Trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân được làm rõ.

‘ Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Hải quan)

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Tỉnh đã ra quyết định huyện nào, đơn vị nào để lọt gia cầm lậu vào thì thuyên chuyển công tác. Thực tế vừa rồi chúng tôi đã chuyển 4 đồng chí đội trưởng ở 4 huy huyện đi làm công tác khác vì để lọt gia cầm lậu vào sâu nội địa".

Do ráo riết áp dụng các biện pháp ngăn chặn nên việc nhập lậu gia cầm từ nhiều tuần nay Quảng Ninh hầu như không phát hiện thêm vụ nào, mặc dù trước đó có thời điểm đã bắt giữ nhiều vụ buôn lậu lớn mặt hàng này.

Mặt khác ngành y tế tỉnh cũng đã sử dụng máy đo thân nhiệt để kiểm soát tình trạng sức khỏe người dân hai nước đi lại buôn bán, du lịch qua cửa khẩu Móng Cái.

Bác sĩ Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế Quốc tế tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Từ khi Trung Quốc có dịch cúm gia cầm H7N9 thì đôi bên phối hợp rất chặt chẽ. Bên Trung Quốc đã phát hiện 3 người Việt Nam sang có thân nhiệt cao, nghi cúm, chuyển cho chúng tôi kiểm tra, sau 15 ngày thì xác định đó là cúm thông thường. Còn bên Việt Nam chưa phát hiện người Trung Quốc nào sang bị nhiễm cúm gia cầm".

Sẽ rất khó để khẳng định 100% số người qua lại hai bên biên giới đều được kiểm tra thân nhiệt bằng máy đo hiện đại, nhưng có thể xác định chắc chắn là việc kiểm tra y tế này sẽ góp phần sớm phát hiện những người đang có dấu hiệu mang chúng virus cúm gia cầm, để cơ quan chức năng có biện pháp cách ly, điều trị, bảo vệ sự an toàn của cả cộng đồng”.

Tuy nhiên hiện nay, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh lại đang gặp khó khăn về quy chế pháp lý để sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ nhập lậu gia cầm.

Ông Đoàn Duy Ái, Chi Cục trưởng Chi cục thú y Quảng Ninh cho biết: “Tỉnh Quảng Ninh không được phép lập chốt kiểm dịch thì rất khó khăn cho công tác quản lý và ngăn chặn các vụ gia cầm nhập lậu, nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập".

Ngoài Quảng Ninh, đường vào nội địa Việt Nam vẫn còn hàng chục cửa khẩu dọc biên giới và hàng nghìn lối mòn đường bộ, đường thủy. Bởi thế công tác phòng chống dịch cúm gia cầm nói riêng, trong đó có chủng virus mới H7N9 đang thực sự là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.