Trong những ngày đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức một hội nghị gặp gỡ giữa các nhà khoa học nông nghiệp mà có tờ báo gọi là hội nghị Diên Hồng của ngành Nông nghiệp.
Tiền phong (4/1/2017): Vượt lên nền nông nghiệp cơ bắp
Báo Tiền phong lấy ý kiến của Giáo sư, viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội giống cây trồng Việt Nam đó là Việt Nam cần vượt lên nền nông nghiệp cơ bắp, làm tiêu đề cho bài viết. Trong đó, ông cho rằng nền nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp gia công, cơ bắp, phụ thuộc nước ngoài từ thức ăn, cây, con, giống, thuốc trừ sâu, phân bón. Đây là những vấn đề mà nông nghiệp Việt Nam cần phải giải quyết để có thể đi đúng hướng.
Nông thôn ngày nay (4/1/2017): Hiến kế cho nông nghiệp bớt… "cơ bắp"
Cùng chung nhận định về một nền nông nghiệp cơ bắp, tờ Nông thôn ngày nay cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đánh giá lại sản xuất lúa gạo và các giống cây trồng chủ lực, để đánh giá đúng thực trạng những giống cây trồng này đang nằm ở đâu trên thế giới, đồng thời cần có những cơ chế tập trung đầu tư hỗ trợ những giống tiên tiến nhất, tốt nhất nhằm đưa các giống này áp dụng rộng rãi.

Người đứng đầu Chính phủ đã xác định nông nghiệp sẽ là 1 trong 3 thế mạnh của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Và làn sóng quan tâm và đầu tư vào nông nghiệp đã xuất hiện ngay từ những ngày đầu năm. Thế nhưng, cũng trong những ngày này, xuất hiện khá thường xuyên trên báo chí những thông tin không hề tích cực, đây cũng là một trong những thách thức đối với ngành nông nghiệp phải sớm giải quyết.
Nông thôn ngày nay (5/1/2017): Nỗi lo thực phẩm bẩn
Cũng trên tờ Nông thôn ngày nay qua phóng sự điều tra cho biết, tình trạng buôn lậu thực phẩm đông lạnh, đặc biệt là thực phẩm bẩn đang diễn ra phức tạp, Qua điều tra, hàng chục, hàng trăm tấn thực phẩm đã và đang được nhập lậu và vận chuyển trót lọt từ biên giới đến các khách hàng tại các tỉnh thành.
Người lao động (4/1/2017): Rau quả Trung Quốc lấn át hàng Việt
Tờ Người lao động cho rằng tình trạng rau quả nhập qua biên giới trên bộ đang lấn át hàng Việt Nam là do thương lái đang cầm trịch thị trường. Cùng với đó, nông sản Việt Nam thường bị lép vế về mẫu mã, sản lượng, giá thành, công nghệ bảo quản và do đó, rau quả nhập khẩu vẫn chiếm lĩnh thị trường, nhất là khi nguồn cung trong nước không đủ.
Nông nghiệp Việt Nam (6/1/2017): Trái cây Trung Quốc đổ bộ TP.HCM
Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết trái cây nhập khẩu qua biên giới phía Bắc cũng đang đổ bộ vào các chợ TP.HCM, và để dễ bán, các thương lái thường quảng cáo các mặt hàng này là của Việt Nam, Thái Lan, thậm chí, cả Australia và Mỹ.
Trong khi rau, quả Việt Nam bị cạnh tranh ngay trên sân nhà, các nhà chăn nuôi trong nước lại gặp phải khó khăn khi không xuất khẩu được lợn theo đường tiểu ngạch cũng đang gây ra những khó khăn ngay từ những ngày đầu năm mới.
Lao động (5/1/2017): Người chăn nuôi có nguy cơ…
Tờ báo này cho biết giá thịt lợn hơi tại nhiều địa phương đang giảm mạnh do tổng đàn tăng quá nóng, trong khi số lượng lợn hơi xuất khẩu theo đường tiểu ngạch bị đóng băng.
Thanh niên (6/1/2017): Heo tồn, mất giá…
Cũng về tình trạng ngày, báo Thanh niên cho biết, hàng triệu con lợn tồn trong chuồng không bán được, dẫn đến người chăn nuôi thua lỗ từ vài trăm đến cả triệu đồng mỗi con ngay trong mùa cao điểm cận tết.
Lợn không xuất khẩu được, người nuôi bị lỗ, nhưng, các thương lái vẫn đang thu lợi nhuận bởi vẫn đang tiếp tục ép giá người nuôi khi trả giá ở mức rất thấp rồi thu mua bán ra thị trường. Và với tình trạng hiện nay, hàng triệu kilogram lợn hơi đang bị mắc kẹt trong các chuồng trại của nông dân, và người nông dân thì đang đứng trước nguy cơ mất tết.
Thực tế trên đã cho thấy, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phải đổi mới để cạnh tranh ngay trên sân nhà cũng như phải mở rộng thị trường xuất khẩu theo đường chính ngạch, thông qua việc đàm phán và ký các hiệp định giữa Việt Nam với các nước.

Thực tế này có thể là những thông tin không mấy tích cực trong những ngày đầu năm mới, nhưng ít ra, những thách thức đã được chỉ rõ và cần có những biện pháp căn cơ để giải quyết triệt để khi mà Việt Nam vẫn tiếp tục xác định nông nghiệp là một thế mạnh của quốc gia.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.