Những năm gần đây, nhận thức về khái niệm việc làm của người lao động đã thay đổi. Trước đây, mọi người vẫn cho rằng, việc làm là do người khác hoặc Nhà nước tạo cho mình. Tuy nhiên, hiện nay khái niệm việc làm còn bao gồm cả việc tự tạo việc làm cho bản thân như: Tự kinh doanh, làm trang trại... Đặc biệt trong thời khó khăn hiện nay, tự tạo việc làm là một trong những biện pháp hữu hiệu mang lại thu nhập nuôi sống người lao động và gia đình.
Trước đây, anh Vũ Văn Cương là công nhân của nhà máy nhựa tại khu công nghiệp thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nhưng do một thời gian dài nhà máy thiếu việc, hoạt động cầm chừng nên anh đã xin nghỉ việc. Sau khi trở về gia đình, được Ngân hàng Chính sách địa phương hỗ trợ nguồn vốn, anh Cương đã bắt tay ngay vào việc xoay xở mở cửa hàng làm nhôm kính. Đến nay, công việc này đã mang lại thu nhập ổn định, nuôi sống cho cả gia đình anh.
Một trường hợp khác đó là anh Nguyễn Văn Tích, Chương Mỹ, Hà Nội, sau khi bị mất việc, anh Tích cũng đã trở về quê chăn nuôi và mở một cửa hàng buôn bán nhỏ. Trong quá trình xây dựng chuồng trại và mua hàng hóa để gia đình kinh doanh, anh Tích cũng được Ngân hàng Chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi.
Hai trường hợp lao động trên chỉ là số ít trong nhiều trường hợp lao động khác được Ngân hàng Chính sách hỗ trợ vay vốn, tự tạo việc làm cho mình khi mất việc. Được biết, mỗi năm quỹ Quốc gia về việc làm đã cho người lao động vay khoảng 2.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho từ 250 đến 300 nghìn người lao động. Nguồn vốn tạo việc làm còn tác động tích cực đến xu hướng chuyển đổi cơ cấu lao động của các địa phương, từ nông nghiệp chuyển sang kinh doanh, từ kinh doanh chuyển sang dịch vụ.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.