Giá thịt, trứng “nhấp nhổm”: Bất cập ở khâu lưu thông

Sỹ Khỏe - Vũ Dũng

25/01/2013 18:37 GMT+7

Sau mấy tuần liên tục tăng giá, giá thịt, trứng gia cầm đã có dấu hiệu chững lại, nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức cao. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do còn nhiều bất cập ở khâu lưu thông...

Trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng Tư Vượng ở xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội có 39.000 con gà đẻ. Mỗi ngày chủ trang trại thu được khoảng trên 21.000 quả trứng gà màu. Mặc dù đang bán được giá khá cao so với trước đây khoảng một tháng, nhưng gia chủ trang trại chăn nuôi này, ông Trương Bá Hiếu vẫn có điều không yên tâm.

Ông Hiếu cho biết: “Với mức giá hiện đang bán là 2.300 đồng/quả chúng tôi đã có lãi rồi. Tuy nhiên, thị trường bán trên 3.000 đồng/quả và nhiều nơi lại cao hơn. Chúng tôi sợ cao quá người tiêu dùng sẽ ăn ít đi, lúc đó chúng tôi sẽ khó tiêu thụ khó, dẫn đến thua lỗ”.

Thực tế hiện nay, giá trứng ở các chợ và các siêu thị cũng đang rất chênh lệch, nhiều loại giá rất cao so với giá bán buôn tại cửa trang trại. Trứng gà mầu nơi thì bán hơn 3.000 đồng/quả, còn có nơi lại chỉ bán dưới 3.000 đồng/quả. Riêng trứng gà ta ở chợ quê cũng tăng đáng kể.

Chị Nguyễn Thị Thúy, khách hàng chợ Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội nói: “Hiện tại, giá trứng gà ta tôi mua 4.000 đồng một quả, cao gần gấp đôi lúc trước”.

Những ngày này, giá trứng không chỉ tăng cao tại các cơ sở kinh doanh, mà giá các loại thịt gia súc, gia cầm cũng có những chênh lệch khá rõ nét ở các chợ và siêu thị, bình quân giá tăng từ 10% - 30%.

Tại chợ Xuân Mai, giá gà già (tức gà thải sau đẻ trứng) khoảng 87.000 đồng/kg, gà trắng công nghiệp khoảng 36.000 đồng/kg, nhưng có nơi khác các loại gà này bán khoảng 100.000 đồng và 41.000 đồng/một kg. Mức tăng cao nhất là gà ta thả đồi. Nếu một tháng trước giá khoảng 110.000 - 120.000 đồng một kg gà lông, nay lên tới 160.000 đồng/kg.

Một trong những nguyên nhân của sự biến động về giá thịt, trứng là do gần Tết nhu cầu thực phẩm tăng, cung không đáp ứng kịp với cầu. Nhưng theo nhiều ý kiến, nguyên nhân căn bản của tình trạng này vẫn là vấn đề kiểm soát khâu lưu thông trung gian chưa được chặt chẽ. Vì vậy, theo Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT để bình ổn cần phải có các giải pháp đồng bộ.

Ngày hôm qua (24/1) sau khi Bộ Thương mại, Sở Công thương Hà Nội và các bộ ngành có liên quan làm việc với CP Hà Nội - một công ty cung ứng tới trên 300.000 quả trứng/ngày cho thị trường phía bắc, giá trứng của công ty CP ngày hôm nay (25/1) đã giảm từ 2.300 đồng xuống còn 2.100 đồng/quả. Công ty CP cũng cho biết, đối với các siêu thị, các cửa hàng lớn nhập trứng của công ty cũng sẽ có kế hoạch điều chỉnh lại giá bán, giá mua.

Ông Lê Sĩ Hiển, GĐ siêu thị BigC Thăng Long, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi sẽ cân chỉnh đầu vào đầu ra của các mặt hàng thịt và trứng để không làm thiệt nông dân, không làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng”.

Càng đến thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, sức mua của người tiêu dùng ngày càng tăng cao, vì vậy việc các mặt hàng thiết yếu được xem xét để bình ổn được xem là giải pháp để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, việc bình ổn giá cũng sẽ không làm người nông dân chăn nuôi thua thiệt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.