Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành trong sáng nay (11/4).
Dự thảo Nghị định này đã được xây dựng trong 3 năm và được các thành viên Chính phủ cho ý kiến 3 lần, với mục tiêu kép là vừa bảo đảm các địa phương huy động được nguồn lực đất đai để thực hiện sớm các dự án cấp bách, vừa phải ngăn chặn được thất thoát tài sản của nhà nước như vừa qua. Bản chất của hình thức đầu tư BT là do nhà nước chưa có tiền nên phải lấy tài sản công, đa phần là đất đai, để đổi lấy công trình do nhà đầu tư ứng vốn trước xây dựng.
Vì vậy, nếu theo phương án đấu giá quyền sử dụng đất để lấy tiền nộp vào ngân sách, sau đó là cấp phát theo quy trình của Luật đầu tư công và Luật ngân sách để thanh toán cho các dự án BT thì đầu tư công sẽ mất rất nhiều thời gian, không còn là đầu tư theo hình thức BT, khiến các dự án cần triển khai cấp bách không thể thực hiện được. Hơn nữa, theo luật hiện hành, đất khi chưa được giải phóng mặt bằng, không thể coi là tài sản công.
Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Thường trực Chính phủ nhất trí tiếp tục coi BT là hình thức đầu tư hợp pháp. Tuy nhiên, sẽ có một số thay đổi cơ bản, đó là nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện dự án theo hình thức BT trước, sau đó nhà nước giải phóng mặt bằng để bán đấu giá quyền sử dụng đất lấy tiền thanh toán, kể cả lãi vay cho các nhà đầu tư. Quy định này sẽ khắc phục được tình trạng chênh lệch giá đất từ hình thức giao chỉ định, không qua đấu giá như vừa qua, khiến giá trị quyền sử dụng đất lớn hơn giá trị dự án BT nhiều lần. Do dự thảo Nghị định này được xây dựng trong suốt 3 năm qua với nhiều ý kiến khác nhau nên gần đây rất nhiều dự án BT, nhất là ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không thể triển khai được.
Trên cơ sở ý kiến của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo Bộ Tài chính sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng và chuyển giao (BT), để Chính phủ sớm ban hành, nhằm khơi thông một nguồn lực cho phát triển và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của năm nay, nhưng đồng thời phải đảm bảo chống thất thoát tài sản nhà nước cũng như tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tinh thần của Nghị định này phải theo nguyên tắc thị trường, minh bạch và các loại hình doanh nghiệp đều được phép đầu tư các dự án theo hình thức BT, đặc biệt là không hồi tố các dự án đã được phê duyệt từ trước tháng 1/2018.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.