Tìm về nơi Bác Hồ sáng lập báo Thanh niên

Thái Bình (PV Đài THVN thường trú tại Trung Quốc)

21/06/2025 18:06 GMT+7

VTV.vn - Di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại nhà số 13, nay là số 248 - 250, phố Văn Minh, TP Quảng Châu, Trung Quốc, là nơi tờ Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) sáng lập và xuất bản.

Trong suốt một thế kỷ, kể từ khi tờ báo Thanh niên ra đời (21/6/1925) đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ đồng hành cùng sự nghiệp giải phóng dân tộc mà còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lan tỏa giá trị nhân văn Việt Nam. Đó là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự bao dung, sẻ chia, tôn trọng lẽ phải và khát vọng sống tốt, sống đẹp.

Kỷ niệm 100 năm nền Báo chí cách mạng Việt Nam, cùng phóng viên thường trú Đài THVN tìm về địa chỉ đỏ tại Quảng Châu, Trung Quốc, nơi khách tham quan có thể chiêm ngưỡng những kỷ vật quý, những nét chữ, bức ảnh về nhà báo Nguyễn Ái Quốc.

Di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại nhà số 13, nay là số 248 - 250, phố Văn Minh, thành phố Quảng Châu. Đây là địa danh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu, Trung Quốc từ năm 1924 - 1927.

Tìm về nơi Bác Hồ sáng lập Báo Thanh niên - Ảnh 1.

Chính tại nơi này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức làm báo, in Báo Thanh niên bằng phương pháp thủ công, phát hành rộng rãi trong phong trào cách mạng, truyền bá lý luận Mác - Lênin.

Căn nhà số 13 cũng là trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Nơi đây là địa chỉ huấn luyện những cán bộ nòng cốt đầu tiên của cách mạng Việt Nam, cũng chính là nơi tờ Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) sáng lập và xuất bản, đánh dấu sự ra đời của nền Báo chí cách mạng Việt Nam.

Chị Hoàng Gia Viên (hướng dẫn viên) chia sẻ: "Rất nhiều khách tham quan các nước đến đây, đại đa số là theo yêu thích cá nhân đến để tìm hiểu về hoạt động cách mạng, hoạt động báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người dân Trung Quốc đến đây tham quan với tỷ lệ ngày càng tăng".

Nhiều kỷ vật quý, nhiều bức ảnh, nét chữ, cùng những câu chuyện được chia sẻ cho hàng chục nghìn khách tham quan. Những hiện vật, những bài viết, trang báo còn lưu giữ thể hiện rõ tư tưởng, nội dung, phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các thành viên Thanh niên cách mạng đồng chí hội tự tay biên soạn, khắc vẽ và in báo. Báo Thanh niên là tờ báo của Cơ quan Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, tờ báo đầu tiên truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin của Việt Nam. Báo xuất bản được 88 số, mỗi số in được 100 bản. Một phần trong đó số chuyển về Việt Nam.

Ông Dịch Tây Binh (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông, Trung Quốc) cho biết: "Vận chuyển báo về Việt Nam bằng đường biển là do lúc đấy có nhiều tuyến hàng hải. Do đó tờ Thanh Niên của đồng chí Hồ Chí Minh in xong được đưa qua Hương Cảng để vận chuyển về Việt Nam. Về tới Việt Nam thì sẽ nhân bản rộng rãi ra để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin".

Sự ra đời của báo Thanh niên là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của những người cộng sản Việt Nam. Chính tại nơi này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức làm báo, in Báo Thanh niên bằng phương pháp thủ công, phát hành rộng rãi trong phong trào cách mạng, truyền bá lý luận Mác - Lênin. Những người làm báo ngày nay càng nhận thức sâu sắc trách nhiệm và phấn đấu không ngừng nhằm phát huy những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để lại cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.