Năm 2009, Tập đoàn ĐLGL được sự đồng ý của Quân khu 5 đã thành lập đội bóng chuyền Đức Long - Quân khu 5. Hai năm sau, đội bóng giành được suất tham dự giải vô địch quốc gia, tách khỏi Quân khu 5 và ngay lập tức trở thành một thế lực hùng mạnh của làng bóng chuyền cả nước khi 3 năm liên tiếp (từ 2012 - 2014) góp mặt trong trận chung kết và đoạt ngôi vị quán quân năm 2013. Vượt ra ngoài dải đất hình chữ S, ĐLGL cũng là cái tên không dễ “bắt nạt” vì từng góp mặt trong tốp 11 CLB mạnh nhất châu Á năm 2014.
Thành công của ĐLGL được lý giải là nhờ sự “chịu chơi” của ông bầu Bùi Pháp. 7 năm “làm bóng chuyền”, ông Pháp đã tốn không ít tiền của khi chiêu mộ những tay đập hàng đầu khu vực mà đáng kể nhất là chủ công Wanchai mang quốc tịch Thái - người được giới chuyên môn đánh giá là số 1 Đông Nam Á - cùng tuyển thủ quốc gia Nguyễn Hữu Hà. Có nhiều “ngôi sao” cùng lúc hội tụ ở mảnh đất Cao nguyên, ĐLGL từng được gọi là “Chelsea của bóng chuyền Việt Nam”.
Ấy thế nhưng, đó chỉ là ánh hào quang từ quá khứ. Mùa giải 2015, ĐLGL bất ngờ sa sút và phải nhận tấm vé chơi “chung kết ngược”. Theo tiết lộ của một thành viên trong ban lãnh đạo CLB thì những khó khăn về tài chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp “đỡ đầu” không thể tiếp tục đồng hành cùng các cầu thủ. Đáng nói hơn, đây cũng là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, từng “đẩy” không ít đội bóng chuyền ở ta vào “cửa tử” như: nam Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nữ Vietsov Petro, nữ Dầu khí Thái Bình Dương.
Chúng ta không nên quên rằng ĐLGL là 1 trong rất ít đội bóng chuyền ở Việt Nam đã và đang vận hành theo cơ chế “tự thu - tự chi”. Dẫu số tiền để một CLB bóng chuyền ở ta “sống khỏe” chỉ khoảng 3-4 tỷ đồng/năm - ít hơn rất nhiều so với một CLB bóng đá - thì đó vẫn là thách thức rất lớn đối với một CLB “thở bằng phổi doanh nghiệp” trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu để lại những “dư chấn” rất lớn.
“Cái chết” của CLB Bóng chuyền ĐLGL hẳn để lại nhiều tiếc nuối nhưng không quá bất ngờ với người hâm mộ. Bởi cũng như bóng đá, sau vài năm “gả bán” cho doanh nghiệp, những bất cập của cuộc “hôn nhân” CLB thể thao - doanh nghiệp đã bộc lộ một bất cập “chết người”: sự tồn vong của CLB hoàn toàn phụ thuộc vào “túi tiền” ông chủ. Chẳng phải trên sân cỏ nước nhà, những N.Sài Gòn, XT Sài Gòn, HV An Giang, K.Kiên Giang... đã lần lượt “ra đi” không hẹn ngày trở lại khi ông chủ của họ lâm vào cảnh “tiền khô cháy túi” sao?
Song nói cho cùng, những cái “chết” ấy có nghiệt ngã vẫn cần thiết vì đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cần thiết về cái gọi là “khoán trắng CLB thể thao cho doanh nghiệp”.
Hy vọng, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng dám đối mặt với thực tế phũ phàng và sớm tìm được một lối thoát khả dĩ cho các CLB bóng chuyền Việt Nam. Họ vẫn chưa thể tự đứng vững trên đôi chân của mình!
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.