
Hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Á đều tăng điểm mạnh trong sáng nay
Tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong sáng nay tập trung vào những diễn biến địa chính trị tại Trung Đông. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Iran đã được thống nhất và sẽ chính thức có hiệu lực vào 7h00 sáng ngày 24/6 theo giờ Israel (tức 11h trưa nay theo giờ Việt Nam).
Sau thông báo này, thị trường đã ghi nhận những phản ứng tích cực. Hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Á đều tăng điểm mạnh trong sáng nay, đẩy chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương ngoại trừ Nhật Bản tăng 1,8%.
Trên thị trường năng lượng châu Á, cả giá dầu Brent và WTI sáng nay đều giảm khoảng 4%, có lúc đã giảm tới 6% - mức thấp nhất kể từ đầu tháng 6.
Những diễn biến này đã nới rộng đà giảm của đồng USD, đồng thời hỗ trợ Euro và Yen Nhật, những đồng tiền của các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng. Đồng Euro tăng 0,2% so với USD, trong khi yên Nhật tăng 0,3%.
Thị trường sẽ tiếp tục chờ đợi những thông tin mới liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn, bởi tình hình thực địa hiện vẫn đang diễn biến phức tạp. Cả Israel và Iran đều tuyên bố sẽ chỉ ngừng bắn khi bên kia ngừng không kích. Các chuyên gia nhận định, các diễn biến sắp tới sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính và năng lượng.
GS. Buhui Qiu - Chuyên gia tài chính, Trường Kinh doanh, Đại học Sydney cho biết: "Tôi cho rằng thị trường hiện đang trong tâm lý tích cực thận trọng và những diễn biến sắp tới sẽ phụ thuộc vào bước đi tiếp theo của Chính phủ Iran, Chính phủ Mỹ và cả Chính phủ Israel. Tuy nhiên, phản ứng trước đó của thị trường với cuộc xung đột cũng khá khá ôn hòa, với giá cổ phiếu giảm nhẹ, và giá dầu tăng. Do vậy, nếu các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn, thị trường cũng sẽ phản ứng tích cực ở mức vừa phải. Mọi thứ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến giá dầu".
GS. Sato Yoichiro - Chuyên gia Quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ: "Đây là tín hiệu tích cực ban đầu với các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Bởi trước đó, những lo ngại về việc eo biển Hormuz bị phong tỏa đã khiến giá dầu tăng mạnh và có thể ảnh hưởng lớn đến các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc, nơi dự trữ dầu mỏ chiến lược ở mức tương đối thấp. Nhật Bản có mức dự trữ tương đương khoảng nửa năm nhu cầu dầu, cũng sẽ chịu tác động. Những diễn biến mới sẽ xoa dịu nỗi lo giá năng lượng tăng cao, có thể thúc đẩy lạm phát và làm suy yếu tăng trưởng của khu vực, trong bối cảnh áp lực thuế quan từ Mỹ vẫn chưa lắng dịu".
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.