Hơn 295 triệu người trên thế giới đã phải đối mặt với tình trạng đói nghiêm trọng trong năm 2024, mức cao nhất từ trước đến nay, chủ yếu do xung đột vũ trang và các cuộc khủng hoảng khác - theo Báo cáo toàn cầu 2025 về khủng hoảng lương thực được công bố hôm 16/5. Bên cạnh đó, triển vọng cho năm 2025 được đánh giá là u ám trong bối cảnh nguồn viện trợ nhân đạo suy giảm.
Năm 2024 là năm thứ sáu liên tiếp chứng kiến xu hướng gia tăng số người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ nghiêm trọng.
Trong báo cáo, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ thực trạng: "Từ Dải Gaza, Sudan, Yemen đến Mali, nạn đói thảm khốc do xung đột và các yếu tố khác gây ra đang chạm mức kỷ lục, đẩy các hộ gia đình đến bờ vực của nạn đói".
Ông Antonio Guterres cảnh báo nạn đói và suy dinh dưỡng đang lan rộng với tốc độ nhanh hơn khả năng ứng phó của cộng đồng quốc tế, trong khi 1/3 lượng thực phẩm sản xuất toàn cầu vẫn bị thất thoát hoặc lãng phí.

Người dân nhận thức ăn cứu trợ tại thành phố Khan Younis, Dải Gaza (Ảnh: THX/TTXVN)
Báo cáo xác định xung đột và bạo lực là nguyên nhân chính gây ra nạn đói nghiêm trọng tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, ảnh hưởng đến khoảng 140 triệu người. Trong khi đó, thời tiết cực đoan là yếu tố chính gây ra tình trạng này tại 18 quốc gia, ảnh hưởng đến hơn 96 triệu người, đặc biệt là ở Nam Phi, Nam Á và vùng Sừng châu Phi. Bên cạnh đó, báo cáo cho biết các cú sốc kinh tế được ghi nhận là nguyên nhân chính tại 15 nước.
Riêng tại Dải Gaza, các chuyên gia an ninh lương thực và tổ chức quốc tế tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ nạn đói nghiêm trọng ở vùng lãnh thổ này, sau 10 tuần kể từ khi Israel áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện, cắt đứt mọi nguồn tiếp tế gồm thực phẩm, thuốc men, nơi trú ẩn và nhiên liệu.
Trong báo cáo mới nhất được công bố vào ngày 12/5, Tổ chức Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tổng hợp (IPC) cho biết đã có sự suy giảm nghiêm trọng về tình hình an ninh lương thực tại Gaza kể từ đánh giá gần nhất vào tháng 10/2024. Và người dân nơi đây hiện đang đối mặt với nguy cơ nạn đói ở mức nghiêm trọng.
Báo cáo cũng đưa ra cảnh báo rằng triển vọng cho năm 2025 không mấy sáng sủa, trong bối cảnh nhiều nước tài trợ lớn đã cắt giảm đáng kể ngân sách dành cho viện trợ nhân đạo. Để phá vỡ vòng luẩn quẩn của nạn đói, báo cáo kêu gọi chính phủ các nước đầu tư vào hệ thống sản xuất lương thực - thực phẩm địa phương.
Mạng thông tin an ninh lương thực (FSIN) là một nền tảng hợp tác quốc tế được đồng tài trợ bởi Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI). FSIN không phải là một tổ chức độc lập mà là một mạng lưới các đối tác phối hợp với nhau nhằm cung cấp dữ liệu và thông tin về tình hình an ninh lương thực trên toàn cầu.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.