Sau hơn một giờ làm việc kín và buổi họp báo chung, ông Merz không giấu được sự phấn khởi về cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump: "Chúng tôi rất hiểu nhau trên phương diện cá nhân... Điều đó tạo nên một sự kết nối đặc biệt".
Một trong những nội dung quan trọng nhất trong cuộc gặp là vấn đề thương mại - lĩnh vực khiến quan hệ Mỹ - EU đang trở nên căng thẳng. Các mức thuế cao ngất ngưởng mà Washington áp dụng với ô tô, thép và nhôm từ EU vẫn là mối lo hàng đầu của Berlin. EU hiện chịu với thuế nhập khẩu 25% từ Mỹ với thép, nhôm và ôtô.
Ông Merz, người từng chỉ trích chính sách thương mại của Mỹ công khai trên truyền hình, tiếp tục thể hiện quan điểm thẳng thắn.
"Xung đột thương mại đe dọa tất cả chúng ta", ông từng tuyên bố trên kênh CNN, khẳng định niềm tin rằng "tự do thương mại và thị trường mở là cách tốt nhất để gia tăng thịnh vượng cho cả Mỹ và châu Âu".
Ngoài kinh tế, vấn đề Ukraine cũng là trọng tâm trong các cuộc trao đổi. Ông Merz kêu gọi Mỹ và Đức tăng cường phối hợp nhằm gây sức ép buộc Nga chấm dứt chiến tranh. Ông nhắc lại dấu mốc lịch sử D-Day (6/6/1944) - ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy - như một biểu tượng cho hành động chung vì tự do.
"Hôm nay, chúng ta cần một hành động lịch sử tương tự, không phải bằng quân sự, mà bằng áp lực chính trị và kinh tế để kết thúc cuộc chiến Nga - Ukraine", ông Merz phát biểu ngay tại Nhà Trắng.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, ngày 5/6/2025. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Về phần mình, ông Trump tuyên bố sẵn sàng tìm giải pháp hòa bình và phủ nhận việc thiên vị bất kỳ bên nào. "Tôi không là bạn với ai cả, tôi là bạn với ông", ông Trump hài hước nói với ông Merz, trong một phát biểu gây chú ý trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đang bị chỉ trích là mềm mỏng với Moscow.
Không khí thân tình giữa hai nhà lãnh đạo được thể hiện rõ ràng trong một chi tiết thú vị: ông Merz tặng Tổng thống Mỹ bản sao có khung vàng của giấy khai sinh ông Friedrich Trump.
Ông nội của Tổng thống Trump - Friedrich Trump sinh năm 1869 tại Kallstadt ở vùng Palatinate của Đức và sau đó di cư sang Mỹ. Ông Trump bày tỏ sự thích thú với món quà, thốt lên: "Tuyệt vời!" Sau đó ông liếc nhìn quanh Phòng Bầu dục một cách dò xét và hứa sẽ treo nó ở đâu đó.
Thủ tướng Merz cũng đã chính thức mời ông Trump sang thăm Đức. Theo tiết lộ từ phía Berlin, Tổng thống Trump đã nhận lời, và hai bên đang phối hợp để sớm thống nhất lịch trình. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt trước thềm các hội nghị G7 và NATO sắp diễn ra.
Bà Ines Pohl - Trưởng đại diện của Đài DW tại Washington - đánh giá cuộc gặp là một "thành công" lớn với Berlin. "Ông Merz đã thể hiện bản lĩnh chính trị, khả năng dùng tiếng Anh lưu loát, phong thái tự tin và đặc biệt biết cách tạo thiện cảm với ông Trump", bà nhận xét.
Chuyến công du Washington của Thủ tướng Merz diễn ra trong bối cảnh nước Đức đang tìm cách khôi phục vị thế, sau giai đoạn bị chỉ trích là thiếu chủ động trong chính sách đối ngoại. Ông Merz - người mới nhậm chức thủ tướng hồi đầu tháng 5 - cam kết theo đuổi chiến lược "thực dụng và chủ động" nhằm tăng cường vị thế của Berlin.
Với kết quả tích cực từ cuộc gặp Trump - Merz, giới quan sát nhận định một chương mới đang được mở ra trong quan hệ Mỹ - Đức, đồng thời đem đến tia hy vọng về một hướng đi mới cho thương mại toàn cầu và nỗ lực chung nhằm kết thúc chiến tranh Ukraine. Với một Thủ tướng Đức quyết đoán và một Tổng thống Mỹ không theo lối mòn, mọi kịch bản đều khả thi - kể cả những điều không ai từng nghĩ đến.
Từ đầu năm 2025 đến nay, quan hệ Mỹ - Đức trải qua nhiều biến động đáng chú ý. Sau khi ông Friedrich Merz nhậm chức Thủ tướng Đức vào đầu tháng 5, Berlin đã nỗ lực tái thiết lập mối quan hệ với Washington, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ áp dụng các biện pháp thuế quan mới đối với hàng hóa châu Âu, gây lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế. Đức cũng cam kết tăng cường chi tiêu quốc phòng, hướng tới mục tiêu chi 3,5% GDP trong thập kỷ tới, nhằm đáp ứng kỳ vọng từ Mỹ và NATO về vai trò lãnh đạo an ninh tại châu Âu. Tuy nhiên, mối quan hệ song phương vẫn đối mặt với thách thức, khi Thủ tướng Merz từng chỉ trích Mỹ là đối tác "khó lường" và kêu gọi châu Âu tăng cường độc lập chiến lược.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.