Lời cảnh báo được đưa ra sau chuyến công tác của Ủy ban đặc biệt của Liên hợp quốc điều tra các hành vi ảnh hưởng tới quyền con người của người Palestine. Ủy ban đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay tại khu vực, cho rằng thế giới rất có thể đang chứng kiến một sự kiện Nakba thứ 2.
Nakba là cuộc di dời hàng loạt hồi năm 1948 khi khoảng 760 nghìn người Palestine phải rời bỏ nơi sinh sống trong bối cảnh thành lập Nhà nước Israel. Theo báo cáo, những diễn biến hiện nay có thể dẫn đến một kịch bản tương tự, với nguy cơ di dời quy mô lớn và hệ lụy nhân đạo nghiêm trọng.
Ủy ban đặc biệt của Liên hợp quốc được Đại hội đồng thành lập vào năm 1968, hiện gồm đại diện của Sri Lanka, Malaysia và Senegal tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.
Trước đó, vào ngày 20/4, Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) cho biết 69% diện tích Dải Gaza nằm trong các lệnh di dời đang có hiệu lực của Israel.

Người dân Palestine sơ tán tránh xung đột tại Gaza (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ tướng Israel đã chỉ đạo cơ quan tình báo nước này tích cực tìm kiếm các quốc gia sẵn sàng tiếp nhận số lượng lớn người Palestine từ Dải Gaza. Israel đã tiến hành các cuộc đàm phán với Nam Sudan, Somalia và Indonesia về khả năng tiếp nhận người Palestine từ Dải Gaza. Thông tin từ trang tin Axios vào ngày 28/3 dẫn lời hai quan chức Israel và một cựu quan chức Mỹ cho biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã chỉ đạo cơ quan tình báo Mossad tích cực tìm kiếm các quốc gia sẵn sàng tiếp nhận số lượng lớn người Palestine từ khu vực này.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không còn theo đuổi đề xuất di dời toàn bộ hai triệu người Palestine nhằm tái thiết Gaza. Thay vào đó, đặc phái viên Mỹ tại Trung Đông Steve Witkoff đang tập trung vào vai trò trung gian hòa giải, thúc đẩy một thỏa thuận mới giữa Israel và phong trào Hamas.
Hồi đầu tháng 2, Tổng thống Trump đã mô tả Gaza là khu vực bị phá hủy, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ đảm nhận vai trò chủ đạo trong công cuộc tái thiết sau khi xung đột Israel - Hamas kết thúc. Ông cũng đề xuất phương án di dời người Palestine đến các quốc gia láng giềng như Ai Cập hoặc Jordan, như một phần trong kế hoạch tham vọng biến Dải Gaza thành "Riviera của Trung Đông".
Vào tháng 3, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã mạnh mẽ lên án việc Israel phong tỏa viện trợ nhân đạo tại Dải Gaza, đồng thời phản đối kế hoạch cưỡng chế di dời người Palestine khỏi vùng đất lịch sử của họ. Trong khi đó, Ai Cập tiếp tục phối hợp với các đối tác quốc tế nhằm chấm dứt xung đột, đồng thời thúc đẩy kế hoạch tái thiết Gaza.
GCC yêu cầu các tổ chức quốc tế kích hoạt cơ chế giám sát và buộc Israel phải chịu trách nhiệm về những hành động này. Bên cạnh đó, GCC kiên quyết phản đối mọi nỗ lực cưỡng bức di dời người dân Gaza, cho rằng đây là hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và các nguyên tắc nhân đạo.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.