Các đám cháy rừng ở Canada đã khiến hơn 26.000 người phải sơ tán và tiếp tục lan rộng.
Một số khu vực của Canada và Mỹ đã cảnh báo về chất lượng không khí nguy hiểm. Tại Canada, cháy rừng đã thiêu rụi một căn cứ không quân ở tỉnh Saskatchewan, gây gián đoạn sản xuất dầu ở tỉnh Alberta. Các quan chức đã cảnh báo về những điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra khi ngày càng có nhiều cộng đồng bị đe dọa bởi cháy rừng.

(Ảnh: AP)
"Chúng ta sẽ có một số ngày đầy thử thách ở phía trước" - Thủ hiến Saskatchewan Scott Moe phát biểu tại một cuộc họp báo, đồng thời nói thêm rằng số người phải sơ tán có thể tăng nhanh.
Vào mỗi mùa hè, Canada đều phải đối phó cháy rừng. Tuy nhiên, năm nay, mùa cháy rừng bắt đầu sớm và quy mô của các đám cháy đáng lo ngại hơn, với trên 2 triệu ha bị thiêu rụi. Các tỉnh Saskatchewan và Manitoba bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính quyền hai tỉnh này đều đã ban bố tình trạng khẩn cấp về cháy rừng.

(Ảnh: AP)
"Đây là thời điểm rất khó khăn đối với nhiều người dân Canada. Mùa cháy rừng này bắt đầu nhanh hơn và dữ dội hơn" - Bộ trưởng Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang Canada Eleanor Olszewski phát biểu trong một cuộc họp báo ở Ottawa.
Bà cho biết quân đội Canada đã điều động máy bay đến sơ tán tại những vùng xa xôi ở Manitoba, cũng như sẵn sàng hỗ trợ chữa cháy tại Saskatchewan và Alberta.

(Ảnh: AP)
Tính đến ngày 3/6, có 208 vụ cháy rừng đang diễn ra trên khắp Canada, với một nửa trong số đó ngoài tầm kiểm soát - theo Trung tâm Phòng cháy chữa cháy rừng liên ngành Canada.
Trong khi đó, khói dày đặc từ các đám cháy đã bao trùm một phần Bắc Mỹ, buộc người dân 4 tỉnh của Canada và các bang Michigan, Minnesota, Nebraska và Wisconsin của Mỹ phải hạn chế các hoạt động ngoài trời. Lượng khói bụi dày đặc từ loạt vụ cháy rừng bao phủ làm giảm tầm nhìn, khiến hàng triệu người ở Mỹ và Canada ngạt thở.

(Ảnh: AP)
Đáng chú ý, Cơ quan Giám sát Khí hậu của Liên minh châu Âu (Copernicus) xác nhận khói từ các tỉnh Manitoba và Saskatchewancủa Canada đã vượt Đại Tây Dương, lan tới cả châu Âu. Theo cơ quan này, luồng khói đầu tiên đã di chuyển qua Địa Trung Hải, lan xa tới tận Hy Lạp vào những ngày cuối tháng 5. Trong khi đó, luồng khói thứ hai lớn hơn đã vượt Đại Tây Dương và tiếp cận các khu vực Tây Bắc châu Âu vào ngày 1/6.

(Ảnh: AP)
Dù phần lớn khói cháy rừng nằm ở tầng cao của khí quyển và không ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng không khí tại châu Âu, các nhà khoa học cảnh báo đây là dấu hiệu cho thấy quy mô và cường độ cháy rừng đang ngày càng nghiêm trọng. Do ở độ cao lớn, các đám khói chưa gây nguy hại sức khỏe lập tức nhưng có thể khiến bầu trời mờ đục, tạo hiện tượng hoàng hôn màu đỏ cam.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.