Các quốc gia trên khắp thế giới đang nỗ lực sơ tán công dân khỏi Israel và Iran, trong bối cảnh các chuyến bay bị hủy bỏ và không phận đóng cửa do xung đột leo thang ở Trung Đông.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hơn 1.600 công dân nước này đã được sơ tán khỏi Iran, cùng với hàng trăm người khác tại Israel. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết nhóm sinh viên nước này tại thủ đô Tehran đã được di tản, với con số ghi nhận là 110 người.
Ba Lan cũng đã thực hiện chiến dịch sơ tán khoảng 200 công dân khỏi Israel và Jordan. Ngoài ra, Warsaw còn điều chuyển nhân viên ngoại giao từ Iran tới thủ đô Baku của Azerbaijan. Theo thống kê, từ ngày 13 đến 17/6, hơn 600 người từ 17 quốc gia đã di chuyển khỏi Iran sang Azerbaijan. Hành trình đường bộ từ Tehran tới Azerbaijan kéo dài khoảng 8 giờ.
Về phía Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Huy Dũng tại Ai Cập ngày 19/6 cho biết dự kiến có 37 công dân Việt Nam đầu tiên từ Israel sẽ được sơ tán sang Ai Cập trong ngày 20/6, thông qua cửa khẩu đường bộ Taba trên bán đảo Sinai.

Em bé được sơ tán khỏi hiện trường trúng tên lửa ở Ramat Gan, Israel, ngày 19/6/2025. (Ảnh: AP)
Tại Iran, cuộc sống của nhiều người dân và du khách đã bị đảo lộn hoàn toàn sau khi xung đột bùng phát, đặc biệt khi chính quyền nước này quyết định đóng cửa không phận, khiến công tác sơ tán trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Với chính sách miễn thị thực cho phép người Iran lưu trú tối đa 90 ngày, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành điểm đến chính cho những người Iran đang tìm cách rời khỏi vùng chiến sự. Trong số đó có cô Homa, một phụ nữ 40 tuổi, là công dân Canada gốc Iran. Chuyến thăm quê hương của cô bất ngờ bị cắt ngang khi xung đột nổ ra vào ngày 13/6. Kéo theo hai chiếc vali và đeo ba lô trên vai, cô Homa trông vô cùng kiệt sức.
Bị mắc kẹt tại Iran trong tình huống không ngờ tới, cô Homa đã nhanh chóng tìm cách rời khỏi nước này bằng đường bộ, chọn một chuyến xe buýt đến biên giới phía tây bắc Iran giáp với Thổ Nhĩ Kỳ - hành trình dài tới 850 km.

Nhân viên cứu hộ Israel sơ tán ông Haim Rasin khỏi căn hộ bị phá hủy do tên lửa ở Ramat Gan, Israel, ngày 19/6/2025. (Ảnh: AP)
"Tôi phải về Canada nhưng không phận bị đóng cửa, nên tôi không thể đi máy bay được. Tôi chỉ có thể tháo chạy bằng cách này", cô chia sẻ.
Tại cửa khẩu Kapikoy ở tỉnh Van, Thổ Nhĩ Kỳ, dòng người từ Iran đổ về ngày càng đông, gây áp lực lên toàn bộ hệ thống hạ tầng của địa phương, từ giao thông cho đến dịch vụ lưu trú. Ông Fatih, quản lý một khách sạn tại đây cho biết: "Khách du lịch Iran thường chiếm khoảng 50% lượng khách tại các khách sạn trong giai đoạn này trong năm, nhưng trong những ngày gần đây, tỷ lệ này đã tăng lên 80% do xung đột gia tăng".
Cô Homa, cùng hàng trăm người khác đang trong hành trình sơ tán, chia sẻ hy vọng rằng cuộc xung đột giữa Israel và Iran sẽ sớm kết thúc, để những người bị ảnh hưởng có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.