Trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, Tổng thống Duda nhấn mạnh rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump hoàn toàn có thể tái triển khai các đầu đạn hạt nhân của Mỹ hiện đang được lưu trữ ở Tây Âu hoặc trên lãnh thổ Mỹ đến Ba Lan. Ông cũng cho biết đã thảo luận vấn đề này với ông Keith Kellogg - đặc phái viên Mỹ về Ukraine.
Tổng thống Ba Lan đang tìm cách hồi sinh kế hoạch chia sẻ hạt nhân mà ông từng đề xuất với chính quyền Tổng thống Joe Biden vào năm 2022 nhưng không thành công. Trước đây, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ba Lan từng lưu trữ vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Tuy nhiên, nếu lần này Ba Lan tiếp nhận vũ khí hạt nhân từ Mỹ ngay sát biên giới Nga, điều đó có thể bị Điện Kremlin coi là một mối đe dọa nghiêm trọng.
Tổng thống Duda cho rằng quyết định triển khai vũ khí hạt nhân thuộc về nhà lãnh đạo nước Mỹ, nhưng ông cũng nhắc lại việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố vào năm 2023 về kế hoạch chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus - đồng minh của Moscow.
Lời kêu gọi của ông Duda phản ánh sự lo ngại ngày càng gia tăng ở Ba Lan cũng như các nước trong khu vực rằng Nga có thể được củng cố thêm sau các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine do ông Trump làm trung gian.

Các bệ phóng tên lửa Iskander mang đầu đạn hạt nhân của Nga (Ảnh: Bộ quốc phòng Nga)
Ông Duda cũng đồng thời hối thúc chuyển dịch cơ sở hạ tầng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Đông. Theo Tổng thống Ba Lan, đây là thời điểm phù hợp để thực hiện điều đó đi đôi với việc bố trí các vũ khí tại địa điểm mới.
Ba Lan trước đây từng tuyên bố sẽ sẵn sàng tiếp nhận vũ khí của Mỹ theo một chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân. Các nhà hoạch định chính sách của Ba Lan gần đây cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Pháp để bảo vệ anh ninh châu Âu. Theo đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang thúc đẩy kế hoạch mở rộng lá chắn hạt nhân của Pháp sang các nước châu Âu để bảo vệ các đồng minh.
Tuy nhiên, Tổng thống Duda lại bác bỏ đề xuất gần đây của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk về việc nước này có thể tự phát triển kho vũ khí hạt nhân. "Để có năng lực hạt nhân riêng, tôi nghĩ Ba Lan sẽ cần hàng thập kỷ" - ông Duda nói.
Tổng thống Duda cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng Tổng thống Trump sẽ không đảo ngược cam kết duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Ba Lan. "Những lo ngại về việc Mỹ rút quân khỏi Ba Lan là không có cơ sở. Chúng tôi là một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ và họ cũng có những lợi ích chiến lược của riêng mình tại đây", ông khẳng định.
Tổng thống Ba Lan cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Tổng thống Trump đang tìm cách đàm phán theo hướng có lợi cho Moscow để buộc Kiev ngừng chiến đấu.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.